QUY ĐỊNH
Về chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học,
nghiên cứu về Quảng Nam giai đoạn 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 257/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức, mức hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng tạo và phổ biến những tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam có chất lượng cao nhằm giữ gìn, phát triển các giá trị nhân văn, truyền thống lịch sử, văn hóa Đất Quảng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, động viên văn nghệ sỹ, trí thức cống hiến tài năng, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam giàu đẹp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tác giả, nhóm tác giả (đồng tác giả) là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc trong và ngoài tỉnh có tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam có chất lượng cao. Khuyến khích, ưu tiên đối với tác giả nữ, tác giả trẻ có triển vọng đang sinh sống, làm việc trong tỉnh; tác giả là người dân tộc thiểu số.
Điều 3. Hình thức, thời gian thực hiện hỗ trợ
1. Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp cho tác giả, nhóm tác giả.
2. Thời gian thực hiện: từ năm 2016 đến hết năm 2020, định kỳ 2 năm tổ chức xét chọn và thực hiện hỗ trợ một lần; cụ thể vào các năm: 2016, 2018, 2020.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Sáng tạo là tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần. Theo đó, sáng tạo văn học là những điển hình văn học do nhà văn sáng tạo ra.
2. Nghiên cứu là những tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, biên khảo về văn hóa, danh nhân, vùng đất và con người Quảng Nam.
3. Tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam (sau đây gọi tắt là tác phẩm) là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, văn hóa, nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn.
4. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam. Nhóm tác giả (đồng tác giả) là tập thể từ hai người trở lên trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam.
5. Phổ biến là làm cho nhiều người biết bằng cách truyền đạt trực tiếp hoặc thông qua hình thức in ấn, phát hành (xuất bản).
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Loại hình, đề tài được hỗ trợ
1. Tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam đề cập ở Quy định này bao gồm các thể loại thơ, văn xuôi; nghiên cứu, lý luận, biên khảo, dịch thuật, sưu tầm, phê bình văn học (tập thơ, trường ca, tập ký, tập truyện, truyện vừa, tiểu thuyết, phê bình).
2. Đề tài: Khuyến khích tác giả, nhóm tác giả chọn đúng đề tài, lĩnh vực cấp thiết của tỉnh đang quan tâm giải quyết, trong đó ưu tiên các đề tài về truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng; công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương; những nhân tố tích cực, những con người tiêu biểu trong đời sống văn hóa xã hội của tỉnh; thiếu nhi; văn hóa các dân tộc, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
3. Một tác giả có thể được hỗ trợ nhiều tác phẩm của các loại hình văn học, nghiên cứu nêu tại khoản 1 điều này, nhưng ở mỗi loại hình, chỉ được hỗ trợ một tác phẩm có giá trị cao nhất.
Điều 6. Nguyên tắc thành lập, trách nhiệm và quy trình xét chọn của Hội đồng thẩm định
1. Hội đồng thẩm định tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam (sau đây gọi tắt là Hội đồng thẩm định) do UBND tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm: Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách Văn hóa - Xã hội làm Chủ tịch Hội đồng; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Phó Chủ tịch trực; đại diện lãnh đạo Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh làm Phó Chủ tịch; các thành viên gồm đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể, đơn vị liên quan và mời đại diện một số nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu có uy tín trong và ngoài tỉnh tham gia thành viên.
2. Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm đề xuất các tiêu chí đánh giá cụ thể, tiến hành xếp loại cho từng tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam với 03 mức: Trung bình - Khá, Khá, Tốt. Kết quả xếp loại cuối cùng được tính cho mỗi tác phẩm là tổng số kết quả cao nhất của các thành viên Hội đồng thẩm định (có mặt).
3. Kết quả chấm chọn của Hội đồng thẩm định chỉ được công nhận khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên (trong đó, bắt buộc phải có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) dự họp, thành viên vắng mặt phải gửi kết quả và ý kiến đánh giá, xét chọn bằng văn bản cho Hội đồng thẩm định. Những ý kiến của thành viên vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo. Trường hợp các tác phẩm có kết quả cuối cùng ngang nhau, Chủ tịch Hội đồng thẩm định có quyền sử dụng hoặc không sử dụng kết quả, ý kiến của các thành viên hội đồng vắng mặt để làm căn cứ xét chọn bổ sung.
4. Sau khi có kết quả xét chọn, Hội đồng thẩm định lập biên bản tổng hợp kết quả, danh sách tác phẩm đề nghị hỗ trợ và đề xuất mức hỗ trợ trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
Điều 7. Mức hỗ trợ
Tùy theo nội dung, chất lượng tác phẩm mà mức kinh phí hỗ trợ khác nhau; từ 10 (mười) đến 30 (ba mươi) triệu đồng, cụ thể như sau:
- Tác phẩm đạt kết quả trung bình - khá: được xét hỗ trợ 10 triệu đồng;
- Tác phẩm đạt kết quả khá: được xét hỗ trợ 20 triệu đồng;
- Tác phẩm đạt kết quả tốt: được xét hỗ trợ 30 triệu đồng.
2. Trường hợp các tác giả, nhóm tác giả là hội viên của các hội trong tỉnh gồm: Hội Văn học-Nghệ thuật, Hội Di sản văn hóa, Hội Khoa học Lịch sử, Hội Văn nghệ dân gian đã nhận hỗ trợ sáng tạo theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 06/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ vẫn được hỗ trợ theo Quy định này.
Điều 8. Thủ tục xét hỗ trợ
1. Tác giả, đại diện nhóm tác giả (dưới đây gọi là tác giả) gửi hồ sơ, bản thảo, đề án, dự án, đề cương kèm theo đơn đề nghị hỗ trợ về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nếu hồ sơ thuộc lĩnh vực dịch thuật, tác giả gửi kèm bản gốc; hồ sơ biên khảo, sưu tầm, tác giả gửi kèm địa chỉ xuất xứ).
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập hợp, phân loại hồ sơ của các tác giả, theo từng loại hình văn học, nghiên cứu (quy định tại khoản 1, Điều 5 quy định này), tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét chọn. Hồ sơ của các tác giả phải được gửi tới thành viên Hội đồng thẩm định 30 ngày trước khi tổ chức cuộc họp đánh giá, xét chọn.
3. Kinh phí phục vụ cho việc xét chọn (từ họp Hội đồng thẩm định đến chi phí bồi dưỡng cho các thành viên đọc thẩm định tác phẩm) được trích từ nguồn kinh phí hỗ trợ tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam, được bố trí trong dự toán kế hoạch hàng năm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc, chế độ tài chính hiện hành của Nhà nước.
Điều 9. Tiêu chuẩn hỗ trợ
Tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam được hỗ trợ sáng tạo và phổ biến phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Đạt chất lượng cao về nội dung, giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật và tính sáng tạo; đáp ứng nhu cầu về chân, thiện, mỹ; phù hợp với đặc trưng văn hóa Quảng Nam và bản sắc văn hóa dân tộc.
- Có tác dụng sâu sắc, rộng rãi trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Điều 10. Điều kiện xét hỗ trợ
Tác phẩm đề nghị hỗ trợ sáng tạo, phổ biến phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Không vi phạm Điều 10 Luật Xuất bản; không có khiếu nại về nội dung; tranh chấp về quyền tác giả và quyền liên quan tại thời điểm xét duyệt.
2. Là những tác phẩm, công trình chưa được công bố, xuất bản (trừ các tác phẩm quy định tại khoản 5 điều này).
3. Đúng loại hình, đề tài quy định tại Điều 5; bảo đảm tiêu chuẩn quy định tại Điều 9 Quy định này.
4. Là tác phẩm đã được Hội đồng thẩm định chấm chọn và đánh giá đạt chất lượng cao.
5. Các tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam đã được tặng Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Đất Quảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng quốc tế, quốc gia, Giải thưởng chuyên ngành Văn học-Nghệ thuật Trung ương và tương đương vẫn được xét hỗ trợ tại Quy định này.
6. Không xét hỗ trợ đối với các tác phẩm văn học, nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Điều 11. Số lượng tác phẩm được hỗ trợ, phổ biến hằng năm
1. Căn cứ nội dung và chất lượng tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam để xét chọn hỗ trợ sáng tạo và phổ biến theo từng loại hình (nêu tại khoản 1, Điều 5 Quy định này). Mỗi kỳ xét chọn, trong mỗi loại hình không hỗ trợ quá hai tác phẩm cho từng mức nêu tại khoản 2, Điều 6 Quy định này.
2. Trường hợp trong một loại hình văn học, nghiên cứu có nhiều tác phẩm đạt kết quả theo các mức quy định tại khoản 2, Điều 6 Quy định này, Hội đồng thẩm định xét theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống, chọn tác phẩm đạt chất lượng cao nhất để hỗ trợ theo Quy định.
3. Tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam không được xét hỗ trợ sáng tạo, phổ biến trong kỳ hay đợt này có quyền đề nghị hỗ trợ trong những kỳ/đợt tiếp theo. Thủ tục đề nghị thực hiện theo khoản 1 Điều 8 Quy định này.
Điều 12. Công bố tác phẩm được hỗ trợ sáng tạo
Chậm nhất 15 ngày sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thông báo các tác giả có tác phẩm được hỗ trợ trên Báo Quảng Nam và Trang tin điện tử của Sở; đồng thời lập các thủ tục và tiến hành hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy định này.
Điều 13. Kinh phí hỗ trợ
1. Nguồn kinh phí:
- Bố trí từ ngân sách tỉnh trong dự toán năm 2016, 2018, 2020 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam (tùy theo tình hình thực tế, nếu không có tác phẩm để hỗ trợ, hoặc không hỗ trợ hết, nguồn kinh phí này sẽ được chuyển sang năm sau).
- Nguồn đóng góp tự nguyện của các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
- Các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy định tài chính hiện hành.
Điều 14. Phổ biến tác phẩm
1. Tác phẩm được hỗ trợ, khi công bố, xuất bản phải ghi ở trang nhất: “Tác phẩm được hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam, năm...” (năm nhận kinh phí hỗ trợ).
2. Sau 10 ngày kể từ ngày phát hành tác phẩm, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ phải nộp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam 50 bản, ấn phẩm để phát hành theo yêu cầu.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Phân công trách nhiệm
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Xây dựng quy trình thực hiện hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng tạo, phổ biến tác phẩm; Quy chế đánh giá, xét chọn tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam đạt chất lượng cao.
- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ, phổ biến tác phẩm trình UBND tỉnh phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; tổ chức xét duyệt, đánh giá, kiểm tra, giám sát các hoạt động hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm trên địa bàn tỉnh.
- Tổng hợp kết quả sử dụng kinh phí và tình hình thực hiện hỗ trợ, khuyến khích sáng tạo và phổ biến tác phẩm cao báo cáo UBND tỉnh.
2. Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh:
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến về chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam.
- Tham gia xét duyệt, đánh giá, giám sát việc thực hiện hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam.
3. Sở Tài chính:
- Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam trong dự toán kế hoạch năm 2016, 2018, 2020 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng chế độ tài chính hiện hành.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Quy định này được áp dụng kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp các vướng mắc, phát sinh trình UBND tỉnh xem xét quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.