|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Vài ghi nhận về Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ II
Đỉnh máu
Cánh cò chấp chới
Dòng sông ngày xa
Bài tìm thấy sau nhiều năm
Nghịch sông
Vai diễn
Mê khúc
Tam Kỳ
Bước ra từ cánh đồng
Cái nhìn
Ru em thủy thần
Xưa
Tiêu đề: Báo chí trong buổi đầu tiếp nhận văn học Pháp
Tác giả: Hà Ngọc Hòa


1. So với nhiều nước trên thế giới, báo chí xuất hiện ở Việt Nam tương đối muộn. Mãi đến nửa cuối thế kỷ XIX, theo bước chân của đoàn quân viễn chinh Pháp, báo chí mới được khai hoa nở nhụy ở Việt Nam. Buổi đầu, báo chí ở Việt Nam chỉ là những tờ công báo và báo bằng tiếng Pháp chuyên đăng tải tin tức, những bài diễn văn của người đương thời hay những thông cáo của chính phủ... chứ chưa có tính cách văn học. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, khi Gia Định báo - tờ báo đầu tiên viết hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ ra đời (15/04/1865) thì báo chí Việt Nam bắt đầu có những thay đổi, gắn liền với nhu cầu xây dựng một nền văn học mới, hiện đại bằng chữ quốc ngữ. Do đó, báo chí và văn học nhanh chóng có mối quan hệ gắn bó mật thiết “duyên nợ với nhau như hai người bà con gần gũi nhất” (Nguyễn Đình Chú). Báo chí nhờ sức mạnh của văn học để lôi cuốn người đọc và ngược lại, văn học cũng nhờ báo chí mà xây dựng được những thể loại mới tiếp thu từ văn học phương Tây. Trong mối quan hệ ấy, không ai có thể phủ nhận vai trò tiên phong của báo chí: “Sỡ dĩ cần quan tâm nhiều đến báo chí vì đó là bộ môn tiên phong của nền văn học mới. Đồng thời đó cũng là môi trường nảy sinh và phát triển của tất cả các bộ môn khác như tiểu thuyết, thơ, văn nghị luận, phê bình...”([1]). Báo chí càng phát triển, thì mối quan hệ với văn học ngày càng trở nên khăng khít trong sự tương hổ. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến mối tương quan giữa báo chí và dịch thuật trong buổi đầu tiếp nhận văn học Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

2. Dịch thuật không phải là một vấn đề mới lạ trong văn học trung đại Việt Nam. Từ khi chữ Nôm ra đời, đáp ứng được nhu cầu của lịch sử về một ngôn ngữ nghệ thuật có khả năng thể hiện tất cả các cung bậc của đời sống, các trạng thái tình cảm của con người, thì các nhà nho đã có chủ trương dịch các kinh điển Nho gia sang chữ Nôm, các tác phẩm văn học chữ Hán sang chữ Nôm mà Truyền kì mạn lục, Chinh phụ ngâm là những tác phẩm điển hình.

Nửa sau thế kỉ XIX, khi chữ quốc ngữ đường hoàng bước ra khỏi bốn bức tường của tu viện và dấn thân vào lòng đời sống bằng những nhu cầu, những mục đích chính trị-xã hội khác nhau, thì các nhà trí thức tân học đã nhìn thấy “Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Phải như thế vì sự lợi ích và tiến hóa” (Trương Vĩnh Ký). Để phổ biến chữ quốc ngữ và để góp phần xây dựng một nền văn học mới, Trương Vĩnh Ký và học trò của ông dường như đã có sự phân công tương đối rõ ràng. Nếu như Trương Vĩnh Ký dịch sang chữ quốc ngữ các tác phẩm văn học Trung Quốc, thì học trò của ông lại dịch các tác phẩm văn học Pháp dưới dạng Feuilleton (đăng nhiều kỳ) trên các tờ báo. Người đưa văn học Pháp đến với công chúng miền Nam sớm nhất là Trương Minh Ký (1855-1900) với các tác phẩm Chuyện Phan sa diễn ra quốc ngữ (Sài Gòn, 1884), dịch 16 truyện ngụ ngôn của La Fontaine; Chuyện Phan sa diễn ra quốc ngữ (Sài Gòn, 1886) dịch 150 truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Điều đặc biệt, công chúng Nam bộ buổi đầu tiếp nhận truyện ngụ ngôn của La Fontaine không phải bằng thể thơ tự do mà bằng thể thơ lục bát. Những tác phẩm này đều đăng báo trước khi in thành sách. Con ve và con kiến là bài thơ đầu tiên đăng trên Gia Định báo số 19 (30/06/1883):

Con ve mùa hạ ngâm nga,

Sang đông không có đồ mà dưỡng thân.

Than van với kiến ở gần,

Xin giùm ít hột đỡ thân cơ hàn...

Hơn bốn mươi năm sau, năm 1928, trên Trung Bắc tân văn, Nguyễn Văn Vĩnh mới dịch lại bài thơ này theo thể thơ tự do: “Ve sầu/ Kêu ve ve/ Suốt mùa hè/ Đến kỳ gió bấc thổi/ Nguồn cơn thật bối rối...”. Vấn đề này cho thấy, buổi đầu tiếp nhận văn học Pháp, những người đi tiên phong đã lựa chọn thể thơ lục bát, một thể thơ thuần túy dân tộc, dễ nhớ, dễ thuộc để chuyển tải nội dung. Sự lựa chọn này hoàn toàn thích hợp với những lưu dân vùng sông nước, vốn ít học, thích trình diễn và nói thơ. Hơn thế, để thỏa mãn tâm lý người tiếp nhận, Trương Minh Ký đã dân tộc hóa bài thơ bằng cách sáng tác thêm đoạn kết rao giảng về đạo đức, lẽ sống ở đời:

Đây khuyên tích cốc phòng cơ,

Ở đời liệu trước chớ chờ ăn năn.

Người giàu có, kẻ khó khăn,

Lấy dư giúp thiếu lòng hằng nghĩa nhơn.

Mang ơn thì phải biết ơn,

Làm ơn ai đợi trả ơn bao giờ.([2])

Và cứ thế, bằng thể thơ lục bát, những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine lần lượt đăng trên Gia định báo từ năm 1881 cho đến năm 1886.

Ngoài hai tác phẩm trên, trong giai đoạn này còn có Truyện Phan sa diễn ra quốc ngữ (Sài Gòn, 1884) dịch 12 truyện bằng văn xuôi  của các nhà thơ, nhà văn khác như Kẻ thi nhơn với đứa ăn trộm (La poête et le voleur của J. Wirth), Một đứa con gái nhỏ hảo tâm (Une bonne pe tite fille của Schmid), Con chuột lắt với con mèo (La petite souris et le chat của P. Larousse)...

Song song với việc dịch thơ, trên Gia Định báo, Trương Minh Ký tiếp tục dùng thơ lục bát để giới thiệu một số truyện ngắn và tiểu thuyết của Pháp như Tê-lê-mác phiêu lưu ký (Les avantures de Télémaque của Fénelon) đăng từ ngày 20/06/1885, Phú bần truyện diễn ca (Riche et Pauvre của Esmile Souvestre) đăng từ ngày 20/11/1884, Truyện nhi đồng Francinet đăng từ ngày 05/09/1885...

Từ khi U- lịch (Ulysse) đi rồi,

Nàng tiên Ca-lýp-so (Calypso) nguôi đặng nào.

Mi-ne (Minever) giả dạng giấu tên,

Làm như tuồng mặt ông hiền Măng-to (Mentor)...

(Tê-lê-mác phiêu lưu ký)

Ngoài Gia Định báo ra, ở miền Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX còn có những tờ báo khác như Thông loại khóa trình, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn... cũng đăng tải các tác phẩm văn học Pháp hoặc văn học Anh (theo bản tiếng Pháp). Đầu thế kỷ XX, khi mà văn học đi sâu vào vòng xoáy của quá trình hiện đại hóa bằng những thể loại mới; khi mà tầng lớp trí thức và công chúng yêu văn chương không dễ dàng chấp nhận những bản dịch bằng thể thơ lục bát, thì hầu hết các tác phẩm này đều được dịch lại trên Đông Dương tạp chíNam Phong tạp chí.

Điểm qua các công trình dịch thuật trên cho thấy, văn học Pháp buổi đầu được giới thiệu ở miền Nam một cách sơ sài, chưa có tính hệ thống. Nhưng dẫu sao qua báo chí, công chúng đã bắt đầu nhận diện, bắt đầu làm quen với một nền văn học mới đến từ phương Tây. Và điều quan trọng hơn, nhờ có báo chí và dịch thuật, mà văn xuôi quốc ngữ ở miền Nam dễ dàng gia nhập vào đời sống thông tục hay nói đúng hơn gia nhập vào cái đang diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội.

3. Văn học có những qui luật riêng, những thành tựu riêng của nó mà “sự định lượng chưa hẳn đã là tiêu chí hàng đầu”. Tuy hình thành và phát triển trước, nhưng văn xuôi quốc ngữ ở miền Nam với “câu văn trơn tuột như lời nói” theo chủ trương của Trương Vĩnh Ký và học trò của ông chỉ mang tính phổ cập “kẻ cho quen mặt chữ, người thì cho đặng giải phiền một giây” (Nguyễn Trọng Quản), chứ ít có giá trị về mặt nghệ thuật. Vì thế, những thập niên đầu thế kỷ XX, khi chữ Hán đến hồi cáo chung cùng với “Những người muôn năm cũ”, khi chữ quốc ngữ rầm rộ Bắc tiến, thì văn học miền Nam buộc phải nhường ngôi “chủ soái” cho văn học miền Bắc và chấp nhận đi trước về sau trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học. Tầng lớp trí thức Tây học ở miền Bắc xem báo chí là nơi để công bố các tác phẩm dịch thuật một cách có hệ thống “Dịch những tiểu thuyết hay ở tiếng Pháp ra. Trong sự kén chọn những tiểu thuyết Tây để dịch, chúng tôi sẽ chú ý nhất một điều là chọn những sách văn chương hay, nghĩa truyện cao, kết cấu khéo, khá lấy nền cho cái lối tiểu thuyết của ta về sau này” (Nam Phong tạp chí)([3]). Để đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của độc giả đương thời, họ chọn dịch các loại Tiểu thuyết phiêu lưu (Roman d’aventure) và Tiểu thuyết bợm nghịch (Roman picaresque). Các tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Télémaque, Mai nương Lệ cốt (Manon Lescaut của Abbé Prévost), Ba chàng ngự lâm pháo thủ (Les trois mousquetaires của A. Dumas), Miếng da lừa (La peau de chagrin của H. De Banzac)... lần lượt được đăng tải trên Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí và một số tờ báo khác. Ngoài ra, công chúng còn được làm quen và có cái nhìn toàn cảnh 500 năm văn học phương Tây, chủ yếu là văn học Pháp, thông qua truyện ngụ ngôn của La Fontaine, truyện cổ Perrault, kịch cổ điển của Moliere, Corneille, truyện ngắn của A. De Vigny, Voltaire, Xavier De Maistre, A. Daudet, G. Maupassant... và các trào lưu tư tưởng triết học phương Tây.

Bên cạnh văn xuôi, thì thơ và các thể loại, các trường phái thơ ca cũng được các nhà dịch thuật quan tâm. Trên Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Trung Bắc tân văn... họ dịch thơ của  Beaudelaire, Chateaubriand, Lamartine, Musset, V. Hugo... Theo nhà nghiên cứu Mã Giang Lân, trong 5 năm tồn tại (1913-1918), Đông Dương tạp chí đã giới thiệu khoảng trên dưới 50 tác giả văn học Pháp([4]). Và theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chú, Trịnh Vĩnh Long, từ năm 1917 cho đến 1932, Nam Phong tạp chí đã giới thiệu 30 tác giả và trên 50 tác phẩm văn học Pháp([5]). Việc giới thiệu đa dạng, phong phú và có hệ thống về văn học Pháp cho thấy các nhà nghiên cứu muốn hướng văn học Việt Nam đi theo con đường văn học hiện đại của thế giới, đặc biệt là văn học phương Tây, mà trong đó văn học Pháp đã có những thành tựu nổi trội. Rõ ràng, sau hai cuộc “tập dượt” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Phong Lê) lớn trên Đông Dương tạp chíNam Phong tạp chí, mà Thơ Mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn đã được ra đời, góp phần khẳng định sự trưởng thành của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Tóm lại, trong buổi đầu tiếp nhận văn học Pháp, báo chí và dịch thuật luôn thể hiện vị trí tiên phong của mình trong việc xây dựng một nền văn học mới bằng chữ quốc ngữ. Không chỉ tạo nên thói quen thưởng thức văn học viết bằng chữ quốc ngữ cho công chúng mới mà báo chí và dịch thuật còn làm cho ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng hoàn thiện, phong phú, hình thành nên câu văn nghệ thuật và câu thơ nghệ thuật, dần thoát khỏi ảnh hưởng của văn chương biền ngẫu. Điều quan trọng, báo chí và dịch thuật góp phần tạo nên những tác động, ảnh hưởng trong sáng tác của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam giai đoạn giao thời. Không ai có thể chối cãi, các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới đã ảnh hưởng sâu sắc từ Beaudelaire và các nhà văn trong văn xuôi Tự lực văn đoàn đều “thụ giáo” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Phan Ngọc) Andre Gide. “Mỗi nhà thơ Việt hình như mang trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp” (Hoài Thanh) âu cũng là chuyện bình thường khi nó mang lại những thành tựu mới về nghệ thuật cho văn học Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa.

H.N.H



([1]) Bùi Đức Tịnh (1992), Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới, NXB Tp. Hồ Chí Minh, tr.13.

([2]) Bằng Giang (1992), Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930, NXB Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, tr.103.

([3]) Nguyễn Đình Chú - Trịnh Vĩnh Long, Báo chí và văn chương qua một trường hợp: Nam Phong tạp chí, TC Nghiên cứu văn học số 02/ 2005, tr.55.

([4]) Mã Giang Lân (chủ biên) (2000), Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900- 1945, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 42.

([5]) Nguyễn Đình Chú - Trịnh Vĩnh Long, Báo chí và văn chương qua một trường hợp: Nam Phong tạp chí, TC Nghiên cứu văn học số 02/ 2005, tr.55.

Quay về
THƠ
Tôi bay
Đảo xinh
Bên ngoài ô cửa
Còn ai nữa...
Thinh không
Có gì
Viết cho một người ở Ninh Bình
Cánh diều đứt dây
Mùa xưa không tàn trong tiếng ngân
Viết trong chiều mưa
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
Thu Bồn, một hồn thơ đậm đà chất Quảng
Báo chí trong buổi đầu tiếp nhận văn học Pháp
Du Tử Lê, một đời sông ra biển
GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC
Những bài học thực tiễn của báo chí đất Quảng trong giai đoạn hiện nay
VĂN HỌC-HỌC VĂN
Hạ ơi!