|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Vài ghi nhận về Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ II
Đỉnh máu
Cánh cò chấp chới
Dòng sông ngày xa
Bài tìm thấy sau nhiều năm
Nghịch sông
Vai diễn
Mê khúc
Tam Kỳ
Bước ra từ cánh đồng
Cái nhìn
Ru em thủy thần
Xưa
Tiêu đề: Hạ ơi!
Tác giả: Mạc Ly


...Hãy rót nắng vàng cho đôi mắt long lanh!

Màu tím bằng lăng nhuộm kín góc sân trường như rủ rê ta ra ngoài khung cửa lớp. Nắng hạ vẫn một màu rực rỡ chói chang tô sắc tím bằng lăng trong gió rập rờn. Chúng vô tình không hề biết trong lớp học những chiếc đầu bé nhỏ xinh xinh đang chạy đua cùng với thời gian cặm cụi làm bài. Còn cô giáo sắp về hưu bần thần muốn níu dòng thời gian tìm về ngày cũ.

Mới hôm nào ta bỡ ngỡ đến trường. Bé nhỏ. Lạ hoắc giữa ngôi trường  mái lá tranh tre. Nơi miền quê xa lắc này chưa có ánh sáng văn minh rọi đến, mà sao hằng ngày mái tranh mới lợp vẫn phập phồng, run rẩy bởi tiếng cười hồn nhiên của lũ nhóc học trò. Chúng đến trường vô ưu sau những giây phút mân mê tiếng sáo mục đồng. Dường như trong thẳm sâu tiềm thức nhắc nhở chúng rằng: Muốn được làm người trước hết phải bập bẹ ê, a!

Những đứa trẻ ở miền quê sao dễ thương đến thế! Chúng biết ta xa quê về xứ lạ, kéo dài sợi nhớ, sợi thương trong ánh mắt cuối ngày, nên chúng mang tiếng cười giòn tan làm quà cho cô giáo, để cô vơi bớt nỗi buồn xa xứ mênh mang. Ngày ấy, học trò không học thêm, mà sao học giỏi và ngoan ngoãn quá chừng! Chưa bao giờ chúng làm ta buồn lòng. Suốt những năm tháng vất vả gieo neo, ta chưa hề chùn bước, bởi lớp lớp học trò thành đạt thôi thúc bước chân ta trên bục giảng từng giờ.

Có lần ta cùng thầy cô dự giờ môn Địa lý. Những cặp mắt tròn xoe ngỡ ngàng của học trò làm ta bồi hồi xúc động biết bao! Ta đọc được trong những đôi mắt khát khao hiểu biết kia nhiều câu hỏi khó thể trả lời. Làm sao trong tay thầy chỉ có vài mẩu  phấn mà quả đất hình bầu dục hiện hình thật nhanh trên bảng đen đẹp đến thế! Và lạ lùng thay, không có đồ dùng dạy học hiện đại như bây giờ, mà thầy vẫn hướng dẫn tuổi thơ du lịch khắp cùng năm châu, bốn biển. Viên phấn màu dừng lại một chút ở châu Mỹ: “Em có biết ai là người khám phá châu Mỹ đầu tiên?”. Im lặng tuyệt đối. Lời thầy dịu dàng: “Người tìm ra châu Mỹ đầu tiên là Kha-luân-bô đó em!...”. Trống đánh. Tiếc quá chừng. Vì ước mơ thầy dẫn dắt chúng đi bốn phương trời chưa khép lại. Chúng muốn tiết học dài hơn để đi tiếp chặng đường còn dở dang. Tiếng thầy nhắc nhở: “Các em đứng lên tạm biệt thầy cô!”. Cả lớp nghiêm trang đứng lên tiễn thầy cô giáo. Trở về thực tại, những đôi mắt vẫn hướng lên khung trời mơ ước. Có quả đất nào tròn hơn sau viên phấn trắng của thầy? Để từ đó trong lòng học trò chất ngất yêu thương, mà ngưỡng mộ, mà tôn vinh và kính trọng. Bài học thầy dạy khắc ghi vào lòng: Phải tự giác nỗ lực học tốt, chăm ngoan, để khỏi phụ công ơn thầy cô dạy dỗ...

Ngoài kia, chừ hạ vẫn thong dong khắp chốn phiêu bồng. Lòng ta xao động sao hạ vẫn ung dung? Có lẽ hạ từng chứng kiến phượng bao mùa thay lá để sắc phượng tươi hơn trong ánh nắng vàng. Hạ còn cố ý làm rớt những hạt nắng sót lại trong vòm lá xanh um, hòng làm giật mình những chú chim sâu líu ríu chuyền cành. Và còn hướng những đôi mắt sáng trong mộng mơ ngoài cửa lớp...

Ai từng là sinh viên thì mới cảm nhận được khoảnh khắc vào hạ vỡ òa: “Rương chật rồi khó nhốt những niềm vui”. Không phải nhốt niềm vui trong rương như học trò ngày ấy, mà ba lô trên vai không thể chất đầy niềm vui hội ngộ. Còn hạnh phúc nào hơn được về đoàn tụ gia đình, bên cha, bên mẹ, và bên vầng trăng cổ tích lấp lánh một thời.

Còn cuộc đời nhà giáo, hạ thật quen thuộc, thật trìu mến và thân thương. Hạ đến không chỉ khép lại một năm học nỗ lực đến mệt nhoài, mà hạ bao giờ cũng chịu khó chứng kiến cảnh bịn rịn luyến lưu của học sinh cuối cấp với mái trường, với thầy cô một đời yêu dấu. Hạ còn nhẫn nại theo dõi từng dòng lưu bút vội vã, dở chừng của các cô cậu học trò trong giờ phút chia tay. Mái trường là đây. Kỉ niệm là đây... Tất cả in hình từng nét chữ. Có lẽ lưu bút ngày xanh là kí ức đẹp đẽ nhất của đời người.

Bao mùa hạ đã qua đi để lại niềm vui nỗi buồn của cuộc đời nhà giáo. Vui vì có những học trò đã thật sự trưởng thành, nhưng nỗi buồn đâu đó vẫn còn rớt lại, vì có những học trò thành danh nhưng chưa thành nhân. Nhưng điều đó có hề gì khi: “Ngày mai chị về hưu/ Có nghĩa là tà áo dài sẽ cất hoài trong tủ...”. Áo dài ta sẽ cất hoài trong tủ, nhưng ước mơ mà ta dệt cho em mãi mãi tinh khôi như giấy trắng học trò, vẫn vẹn nguyên như ngày đầu ta đến lớp!

Mai này, ta sẽ không còn thấy bóng dáng em trên hành lang lớp học, sẽ không còn nhìn thấy nụ cười em trong mỗi sớm mai hồng. Ta không còn làm “Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân”... Ta chỉ gởi lại em ước mơ tuổi thơ song hành cùng mùa vàng rực rỡ.

Và hạ ơi! Hãy rót nắng vàng cho đôi mắt long lanh...

M.L
Quay về
THƠ
Tôi bay
Đảo xinh
Bên ngoài ô cửa
Còn ai nữa...
Thinh không
Có gì
Viết cho một người ở Ninh Bình
Cánh diều đứt dây
Mùa xưa không tàn trong tiếng ngân
Viết trong chiều mưa
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
Thu Bồn, một hồn thơ đậm đà chất Quảng
Báo chí trong buổi đầu tiếp nhận văn học Pháp
Du Tử Lê, một đời sông ra biển
GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC
Những bài học thực tiễn của báo chí đất Quảng trong giai đoạn hiện nay
VĂN HỌC-HỌC VĂN
Hạ ơi!