|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Máu và tội ác
Tác giả: Nguyễn Tam Mỹ


(Trích tiểu thuyết)

Chương mười

2.

Vừa thở hổn hà hổn hển, vừa cố bám dây leo trèo lên vách núi, cuối cùng Mười Dân cũng tới gộp Đá Sọc - nơi Bảy Hữu chọn làm chỗ trú ẩn. Thấy Mười Dân đeo chiếc tay nải khá nặng, Bảy Hữu vội bước đến đỡ lấy. “Anh tiếp tế cho tôi những gì mà nhiều thế?”. Bảy Hữu hỏi. Mười Dân dựa lưng vào tảng đá cao lút đầu người, nói: “Cũng như mọi khi, gạo và mắm muối... Chỉ thêm con gà luộc bồi dưỡng cho ông!”. Bảy Hữu cảm động không nói nên lời. Trong lúc Mười Dân ngồi nghỉ, Bảy Hữu lẳng lặng đi xuống khe suối nhỏ. Độ nửa tiếng sau, ông quay trở lên, trên tay ôm một bọc lá chuối. “Gì vậy?”. Mười Dân ngạc nhiên hỏi. Bảy Hữu cười, mở bọc lá chuối ra: Hoa chuối rừng xắt mỏng, nhồi muối, rồi vắt ráo nước! “Anh đem cho con gà luộc, tôi kiếm ít rau bắp chuối để hai anh em mình cùng ăn cho vui!”. Bảy Hữu nói. “Biết thế này, tôi ráng mang thêm cút rượu thì hay biết mấy!”. Mười Dân xuýt xoa. Bảy Hữu lấy con gà luộc trong tay nải ra, xé nhỏ, bỏ vào mảnh lá, rồi trộn chung với rau bắp chuối. “Có thịt gà xé phay. Có cả muối hầm trộn tiêu, vắt mấy giọt chanh! Anh em mình vừa ăn vừa trò chuyện...”. Bảy Hữu nói.

Thời gian gần đây, du kích quân ba xã đã bớt siêng năng đi tuần tra canh gác ở các xóm mạc vào ban đêm. Bọn chúng co cụm lại cố thủ trong các đình làng, vì ngán trúng tên tẩm độc do dân bắn tỉa. Nhất Thi, Phó Mộc và Đinh Ba cũng không còn hăng hái xua quân lấn chiếm nửa làng Phú Lâm nằm ngoài tầm kiểm soát. Nhưng sự tàn ác của bọn chúng khiến mọi người đều rùng mình khiếp hãi. Tại Tiên Hà, theo lệnh của Phó Cạo, Bốn Vố và Bồ Kiếm đã sát hại mười mấy mạng người cùng một lúc bằng củi khúc, dùi cui... May mà mẹ Bảy Hữu thoát được. Bà qua làng Tài Thành ở bên kia sông Khan ăn giỗ rồi lẻn sang Tiên Châu lánh nạn. Ở Tiên Sơn, những ai có bà con họ hàng với Út Hợi, Mười Dân, Hai Sửu... đều bị giết chết sạch trơn. Trẻ không tha. Già chẳng chừa. Đàn bà con gái trước khi hành quyết, bọn chúng thay nhau hãm hiếp rồi dùng dây siết cổ... “Liệu có phải do chúng ta chống lại nên chúng nó mới điên cuồng tàn sát dân lành không anh? Nếu quả thật như thế, chúng ta phải làm gì để tránh gây chết chóc cho bao dân lành?”. Bảy Hữu hỏi Mười Dân, nét mặt nặng trĩu ưu tư. Mười Dân khẽ khàng nói, sau một lúc trầm ngâm: “Nguyên nhân dẫn đến thảm họa không phải do chúng ta chống lại chúng nó. Đó là bản chất hung bạo đến tận cùng sự hung bạo của những kẻ cầm đầu đội quân ô hợp. Ngay đồng bọn đồng đảng của chúng cũng cùng chung số phận với những lương dân bất hạnh. Chúng đang tâm thủ tiêu những du kích quân bị trúng tên tẩm độc, bị lâm trọng bệnh ở Gò Dạn, ở đồi Ông Nương...”.

Thương bệnh binh hai xã Tiên Hà và Tiên Sơn bị Nguyễn Đình Thiệp ra lệnh cho đám tay chân thân tín đem ra rừng đâm chết rồi đào hố chôn chung, Bảy Hữu có nghe người làng Tiên Tráng kể. “Bọn chúng đối xử với nhau quá tệ bạc. Mạnh khỏe thì sử dụng. Ốm đau thì lén giết. Lũ lâu la ấy xâu xé lẫn nhau, sớm muộn gì cũng tan rã...”. Bảy Hữu thầm nghĩ. “Ông suy tính chuyện gì mà ngồi im lặng?”. Mười Dân hỏi. Bảy Hữu nói: “Tình thế như vậy, làm gì bây giờ?”. Mười Dân trả lời: “Chỉ còn cách vận động mọi người nhất tề đứng lên đánh lại chúng nó!”. Ở Tiên Sơn, đám lục lâm thảo khấu làm mưa làm gió được một nửa làng Phú Lâm. Xóm mạc quanh các chân núi xa xôi khuất nẻo, bọn chúng ít dám lui tới thường xuyên nên địa bàn bị thu hẹp dần. Còn ở Tiên Hà? Bảy Hữu đã vận động được hơn mười người chống lại du kích quân. Họ hoạt động bí mật. Bề ngoài, họ ngoan ngoãn chấp hành các chủ trương đường lối của Chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ để đánh lừa bọn chúng. Họ âm thầm sắm cung nỏ, mật phục bắn tỉa chúng nó và lu loa Bảy Hữu ra tay. Phó Cạo, Bốn Vố, Bồ Kiếm... đâu có hay rằng, người làng kháng cự. Cách làm của họ đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Những tên chết không nói làm gì, những tên bị trọng thương, thiếu thuốc men chữa trị, đêm ngày oai oái kêu la, làm giảm sút sĩ khí của du kích quân, bị Nguyễn Đình Thiệp lặng lẽ cho biến khỏi cõi đời. Và quan trọng hơn, bọn chúng không dám hung hăng bố ráp khắp nơi khi màn đêm buông xuống, tạo điều kiện thuận lợi cho dân làng cất giấu thóc gạo làm ra...


Minh họa: NGUYỄN DŨNG


“Còn cái cánh gà, ông ăn đi chứ!”. Mười Dân bảo. “Tôi no rồi!”. Bảy Hữu miệng nói, tay cầm ống bương đựng nước ngửa cổ uống. “Cũng đã gần một năm trôi qua mà chẳng thấy tăm hơi “cán bộ đằng mình” ở đâu? Hay là họ đã quên chiếc nôi cách mạng Sơn Cẩm Hà?”. Bảy Hữu kéo vạt áo lên lau miệng và nói trống không.

“Ông bảo vậy là oan cho “cán bộ đằng mình” quá!”. Mười Dân im lặng một hồi lâu rồi mới khẽ khàng lên tiếng. Mười Dân sống ở một nửa làng Phú Lâm nằm ngoài tầm kiểm soát của đảng phái “quần dài đen” do Nguyễn Đình Thiệp cầm đầu. Dân chúng trong làng thường xuyên qua lại các vùng phụ cận thuộc hai huyện Thăng Bình, Quế Sơn. Và họ biết rất rõ sự o ép của chính quyền Ngô Đình Diệm. Quân đội “Chính phủ Quốc gia” chỉ làm nhiệm vụ đàn áp thẳng tay các cuộc đấu tranh đòi hiệp thương thống nhất nước nhà của quần chúng nhân dân. Đảm nhận việc giữ gìn an ninh trật tự ở các xóm thôn, làng xã... là chính quyền tề ngụy với lực lượng chủ yếu là công an, dân vệ. Hầu hết bọn chúng đều là đảng viên đảng phái “quần dài đen” nhưng sớm biết thức thời nên vội đầu hàng “Chính phủ Quốc gia” để được trọng dụng. Ngô Đình Diệm cũng chưa kiện toàn xong bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, nhân cơ hội này, mượn tay các đảng viên đảng phái “quần dài đen” tiêu diệt sạch sành sanh cộng sản nằm vùng. Còn các đảng viên đảng phái “quần dài đen” cũng nhân cơ hội này, trả thù những người tham gia kháng chiến chín năm, nhằm lập công chuộc tội với “Chính phủ Quốc gia”. Bọn chúng lợi dụng lẫn nhau và gây nên bao cảnh máu chảy đầu rơi. Ở những nơi chính quyền Ngô Đình Diệm kiểm soát, “cán bộ đằng mình” bị truy nã gắt gao. Nhiều cơ sở cách mạng bị bóc gỡ. Hàng loạt cán bộ đảng viên trung kiên bị bắt giam ở các nhà tù. Và những ai tham gia kháng chiến chín năm đều bị tập trung lên quận học tập “huấn chính”!

“Tình hình như vậy, “cán bộ đằng mình” chưa quay lại vùng quê Sơn Cẩm Hà cũng là điều dễ hiểu, đúng không?”. Mười Dân nói. Bảy Hữu làm thinh thở dài. “Cai quản các xóm thôn, làng xã... là những đảng viên đảng phái “quần dài đen” tham gia chính quyền tề ngụy. Đám lục lâm thảo khấu do Nguyễn Đình Thiệp cầm đầu cũng cùng một giuộc. Tại sao chúng nó không liên kết với nhau để mở rộng Chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ?”. Bảy Hữu thắc mắc. Mười Dân giải thích: “Đó là điều chúng nó hằng ao ước nhưng không sao thực hiện được! Ngô Đình Diệm đâu phải là một kẻ ngu ngơ đến mức khù khờ? Ông ta là người cực kỳ khôn ngoan lọc lõi. Ngoài lực lượng quân đội sẵn sàng dẹp loạn, ông ta còn có lực lượng công an chìm luôn theo dõi chặt chẽ mọi hành vi của những đảng viên đảng phái “quần dài đen”. Bọn chúng léng phéng, không bị bắt giam, cũng bị sa thải khỏi bộ máy chính quyền tề ngụy. Cái khó là ở chỗ đó!”. “Anh nói tôi nghe cũng có lý! Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn, tại sao Ngô Đình Diệm không xua quân tràn vào vùng quê Sơn Cẩm Hà tiêu diệt đám lâu la của Nguyễn Đình Thiệp? Bọn chúng công khai chống lại ông ta kia mà?”. Bảy Hữu nói. Mười Dân cười: “Dẹp bỏ đám lục lâm thảo khấu do Nguyễn Đình Thiệp cầm đầu, đối với ông ta, không khó! Có điều, ông ta giả vờ làm ngơ để mượn tay Nguyễn Đình Thiệp đánh phá tanh bành “chiếc nôi cách mạng” Sơn Cẩm Hà và làm cỏ cộng sản ở vùng quê này. Đấy là âm mưu vô cùng thâm độc của Ngô Đình Diệm...”. Bảy Hữu cười bảo: “Anh hiểu rõ mọi chuyện nên phân tích tình hình giỏi như “cán bộ đằng mình” hồi kháng chiến chín năm...”.

Hàn huyên tâm sự với Mười Dân, Bảy Hữu mới hay tình hình cả tỉnh chẳng mấy sáng sủa. Không nói ra, nhưng trong thâm tâm ông cảm thấy bi quan trước thời cuộc đảo điên. Loanh quanh chuyện bao đồng, cuối cùng Bảy Hữu cũng quay lại đề tài thời sự mà hai người trao đổi khi ngồi bên nhau. “Còn bao lâu nữa, cái gọi là “Chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ” của đám lâu la ấy mới bị Ngô Đình Diệm xóa sổ?”. Bảy Hữu rít một hơi thuốc lá quấn thật sâu, phả khói bay mù mịt, hỏi. Mười Dân nói: “Nhanh, vào cuối năm nay. Còn chậm, khoảng đầu năm tới”. “Căn cứ vào đâu, anh đoan chắc như thế?”. “Quả chanh đã vắt gần hết nước, không vứt đi thì để làm gì?”. “Vậy, khi nào “cán bộ đằng mình” về lại Sơn Cẩm Hà?”. “Điều đó, khó đoán trước được! Bởi chính quyền Ngô Đình Diệm truy lùng gắt gao “cán bộ đằng mình” ở khắp nơi. Bọn chúng đang phát động chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” với phương châm “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, quyết không để lọt lưới những đối tượng khả nghi. Nhưng theo tôi nghĩ, không chóng thì chầy, “cán bộ đằng mình” nhất định sẽ quay lại vùng quê bán sơn địa này”. Mải chuyện trò, hai người không nhận ra mặt trời đã chếch sang tây. Nghe tiếng chim vịt kêu chiều, Bảy Hữu mới hay ngày đang xế bóng. Ông giục Mười Dân: “Thôi, anh về kẻo tối!”. “Ừ! Tôi đi đây!”. Mười Dân đứng dậy bắt tay Bảy Hữu rồi theo lối cũ về nửa làng Phú Lâm nằm ngoài tầm kiểm soát của du kích quân...

N.T.M

(*) Tác phẩm đoạt giải A Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Đất Quảng.

Quay về
VĂN
Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II - Tôn vinh những giá trị đặc sắc của đất và người quê hương
Máu và tội ác
Nữ hoàng nhạc Twist
Vết rạn
Như vẫn đang nghe tiếng hát “con chim vàng”
Chút kỷ niệm với người nhạc sĩ tài hoa
THƠ
Đi tìm đồng đội
Giọt nghĩa tình
Nghe người thương binh hát
Mắt chiều
Bạn cũ
Người già đi nhảy
Giấc mơ người đàn bà không muốn khóc
Anh là chiếc bình cắm loài hoa bất tử
Những đứa trẻ tái sinh trên tay chị tôi gầy
Mảng phố
Trước bức tranh đồng chiều
Khoảng vắng
Vẫn chảy sông ơi!
Thu xa
Khoảnh khắc khi anh ở ngoài em
Trườn qua phía bóng tối
40,1oC
Em về
Đứa con của rừng
Giấc mơ đại ngàn
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
Nhạc sĩ sánh duyên cùng thi ca
Nhà cổ Hội An - Những lâu đài trang trí nghệ thuật
Gam màu đẹp của mỹ thuật thiếu nhi xứ Quảng