Truyện ngắn
Kết thúc cuộc gọi, tôi tính ngay kế hoạch gặp nó, vừa nghe căn gác gỗ vặn mình trệu trạo mỗi lần bước mạnh. Giữa căn gác kê chiếc tủ thờ với bộ lư và tấm màn che cũ kỹ. Một bàn học lớn, hai chiếc giường: một cho tôi và một cho khách, nếu có.
Trong năm đứa học trò mà tôi dạy kèm hồi đó, nó có mặt chõi ra cồm cộm nhưng không bị lạc lõng. Khuôn mặt chữ điền rõ vẻ đàn ông, da ngăm đen, mày rậm, khác với với bốn anh em kia, đứa nào cũng da trắng, mặt lưỡi cày giống nhau như đúc. Nó thông minh mà lười, tư duy hình học rất nhạy bén nhưng dò bài thì ít khi thuộc đầy đủ. Đặc biệt, thỉnh thoảng tôi trông thấy nó hay ngồi trầm ngâm một mình với ánh mắt của người lớn hoặc chăm chú vẽ hình một phụ nữ, cánh đồng hay đồi núi. So với tuổi thì năng khiếu vẽ của nó được bộc lộ sớm. Những nét chì mềm mại đã bắt đầu có hồn vía chứ không thô thiển như mấy anh em nó.
Một hôm tôi đem tính khí hơi khác lạ của nó nói chuyện với chị Thân, chủ nhà. Chị cầm tay tôi kéo vào chỗ vắng: “Tui nói điều này chỉ chú biết thôi, không được nói lại với ai, thằng Hiên không phải là con tui đâu. Nó bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng mẹ, thấy thương quá tui đem về nuôi...”. Từ hôm đó, không hiểu sao mỗi lần ra bài tập cho năm đứa cùng làm tôi cứ ưa ngồi nhìn nó. Càng nhìn càng thấy nó có đôi mắt đẹp nhưng hơi buồn, khuôn mặt láu lỉnh mà không dữ. Nghĩ đến biết bao đứa trẻ quê tôi bị bỏ rơi, bị chết thảm trong chiến tranh, tôi hay dành cho nó những cú “giá cao đánh khẽ” mỗi lần không thuộc bài hay không chịu làm bài tập. Chưa bao giờ tôi thấy nó khóc mỗi lần bị đánh như thế, trong khi anh em nó thì mới giơ cây thước đã thấy nước mắt chảy ròng. Thỉnh thoảng tôi có gọi nó lên gác ngủ với tôi cho vui. Mỗi lần như thế tôi cảm thấy căn gác mới mẻ và ấm áp hơn, tôi cũng đỡ nhớ nhà nhớ quê.
Hòa bình. Mỗi người một tính toán riêng cần làm. Tôi vội vã rời căn gác kỷ niệm, khệ nệ chuyển những chồng sách vở về quê. Khi ra phố thăm lại chủ cũ, gác xưa, thằng Hiên không còn ở đó nữa. Chị Thân cho biết, nó đi làm thuê rồi, làm giàn xe đạp cho người ta. Tiền công mỗi ngày vừa đủ ăn, không no không đói. Tối có khi nó về nhà, lúc thì ngủ luôn ở nhà chủ. Thấy tôi đứng sững tỏ vẻ khó hiểu và khó chịu, chị Thân giải thích thêm: “Tội nghiệp, tui đâu có muốn vậy chú, mà nói chi nó cũng không chịu. Thằng này khôn lớn trước tuổi nên nhiều khi đố ai khuyên cản được, không như mấy anh em nó, nói đâu nghe đó. Có lẽ nó thấy nhà chừ khó khăn quá nên muốn tự lập...”.
Chị Thân làm sở Mỹ, chồng chị là cán bộ của chế độ cũ. Làm sở Mỹ là một nghề “mốt” ở thời đó nhưng tôi không mấy quan tâm vì còn phải lo tập trung học thi và dạy kèm để kiếm thêm tiền. Cho đến khi người Mỹ cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng, chị thẫn thờ hốt hoảng như người mất hồn, tôi mới bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn. Làm sở Mỹ là nói chung, cụ thể thì có quá nhiều việc, nhiều cách kiếm tiền mà chỉ người trong cuộc mới hiểu hết. Có người nhờ làm sở Mỹ mà giàu lên nhanh chóng. Chị Thân chính xác là nấu ăn cho Mỹ, lương tháng bao nhiêu không rõ. Chỉ thấy sở Mỹ tan, hết việc làm, chị có mang về nhà rất nhiều xoong nồi loại tốt, mới toanh. Chồng chị không bị đi cải tạo nhưng cũng coi như thất nghiệp. Sáu đứa con của chị, kể cả thằng Hiên, đều đang học dang dở cấp 2, cấp 3.
- Chị Thân, em hỏi thiệt chị, thằng Hiên có biết nó không phải là con của chị không?
- Biết, không rõ ai nói ra mà nó biết...
Tôi tìm đến thăm thằng Hiên trong một chuyến đi vội vàng với lắm việc phải làm. Đà Nẵng những ngày sau chiến tranh dường như trống trải, vắng vẻ hơn. Các quán tiệm trước đây, phần thì đóng cửa, phần chỉ mở cửa cho có, khách khứa chẳng bao nhiêu. Sự thay thế chưa đủ độ để gọi là thay thế. Người tản về quê và chuyển đi nơi khác không ít, xe cộ nằm ở các ga-ra, nhà riêng nhiều hơn chạy ngoài đường. Tiệm sơn sửa xe hon-da, xe đạp mà thằng Hiên đang làm là một tiệm lớn mà trước đây tôi đã từng biết. Bây giờ xuôi theo thời thế, người ta chỉ tập trung vào việc sản xuất khung xe đạp. Làm khung mới, chế lại khung cũ, sơn sửa những khung đã bị bỏ phế... Thằng Hiên đang ngồi lẹt kẹt cạo sơn một khung xe cũ. Thấy tôi, nó vừa hoảng vừa mừng. Hai con mắt bắt đầu kéo dần cái đuôi ra, đẹp như cười. Nhưng mà da nó đen hơn, khuôn mặt có vẻ người lớn hơn, lún phún trên hai khóe mép đã thấy xuất hiện những sợi râu nhỏ xíu. Tôi cầm tay nó mà lòng nghe đau:
- Con phải đi học tiếp, chỉ còn một năm nữa là hết cấp 3, chữ nghĩa có thể bị gián đoạn vì hoàn cảnh nhưng không thể mất đi...
Nó dạ. Và hai mắt đỏ hoe.
Chồng chị Thân vẫn uống rượu mỗi buổi chiều. Chị thì lo chạy vạy đủ đường, đủ cách để kiếm thêm tiền. Một lần chị nói với tôi: “Có làm chi ra tiền nhiều đâu chú, không đủ mình ăn. Nhưng nghe lời chú, tui bán gần sạch số vàng trước kia đã dành dụm được cho mấy đứa con ăn học tiếp. Chỉ mong hết được cấp 3 rồi thả chúng ra ngoài đời để tự lo liệu mà sống”.
Đúng như lời chị nói, con chị năm trai một gái đều qua được cấp 3, sau đó mỗi đứa một công việc, rẽ một ngã đời, một cuộc sống riêng, không còn quy tụ chật chội trên căn gác gỗ trệu trạo mỗi lần bước mạnh chân. Thằng Hiên nghe nói đã vào kiếm việc làm đâu trong Nam.
*
* *
Con lên tàu một mình với một chỉ vàng má cho, hai bộ đồ. Lần đầu tiên đến đất Sài Gòn, lại không quen biết ai nên con định sẽ tìm gặp anh Thịnh trước, sau mới kiếm việc làm. Anh Thịnh đã vào Sài Gòn với một người bạn hơn hai tháng trước đó, nhưng anh đang ở đâu và làm gì thì con chưa biết. Má có ghi theo mấy địa chỉ để con đi tìm.
Số ghế 36, toa 5. Lạ, tại sao lại có một cô gái đang ung dung ngồi vào đúng số ghế của con? Chính xác là hai tấm vé đều có cùng số ghế, số toa. Bụng định hỏi nhân viên trên tàu nhưng tay con lại lật mặt sau tấm vé. Hóa ra cô ta đi chuyến tàu khác, nhưng do trở ngại sao đó người ta đổi chuyến, đổi tàu mà thông báo không đến được với khách. Rõ ràng là mặt sau tấm vé có ghi rõ mà cô không kịp đọc. Tình thế này, với những người viết tiểu thuyết như chú thì gọi là gặp gỡ định mệnh, đúng không?
Nó cười, nụ cười khá có duyên, nhấn mạnh bốn chữ “gặp gỡ định mệnh” rồi mới kể tiếp: Cô ta hơi tái mặt, tỏ vẻ lo lắng. Không biết máu nghĩa hiệp ở đâu trong người mà ngay lúc đó con đã buột miệng nói ra được một câu cũng định mệnh không kém: “Cô cứ bình tĩnh ngồi đó đi, tôi sẽ nói lại với nhân viên kiểm tra tàu trường hợp này. Chắc là không có gì trở ngại đâu”. Cuối cùng chú biết sao không, còn mấy chục bạc lẻ con dúi luôn cho tay nhân viên. Thế là chuyến tàu đi xa đầu đời con đã ngồi chung với một cô gái lạ, nhường luôn cho cô ta ghế số 36 suốt cả chuyến đi. Sau đó con được biết cô ta tên Lan, cũng là người miền Trung vào Nam với cha mẹ từ trước năm 1975.
Mãi đến khi xuống ga Bình Triệu, Lan mới hỏi con, chừ anh về đâu? Về đâu, biết về đâu mà trả lời. Thế là Lan bảo con cứ đến nhà cô ở tạm rồi sẽ tính sau. Kịch bản được dàn dựng thế này: con là bạn của anh Hai cô ta, vào Sài Gòn tìm anh ruột nhưng chưa biết ở đâu. Đêm phiêu lưu đầu tiên của cuộc đời, “dế Mèn” đành phải ngủ lại ở một nơi xa lạ với những con người thật xa lạ. Nghe vừa chua chát vừa mừng thầm. Không có sự may mắn tình cờ này, chẳng biết rồi con phải làm gì giữa Sài Gòn xô bồ và mênh mông này. Tưởng mô cũng như Đà Nẵng!
Chú Lãnh, cha của Lan, nhỏ hơn ba con hai tuổi, là ông chủ tốt bụng vừa là tài xế xịn của một chiếc xe tải chuyên chạy tuyến đường Sài Gòn - miền Tây. Tay phụ xe có mẹ đau ốm đang nằm viện nên theo xe bữa được bữa mất. Có khi ông chạy xe một mình hoặc đưa cô con gái theo để làm quen cho vui. Hôm nghe con nói đã tìm ra tông tích anh con đang sống dưới miền Tây, ông nói ngay “Hay là con theo phụ xe với chú xuống miền Tây rồi lần hồi sẽ dò la tin tức của anh con”. Chú biết là nghe vậy con mừng đến mức độ nào rồi chứ. Bỗng dưng lại có chỗ ở, có việc làm. Và có thêm người bạn gái từng chịu ơn mình.
Càng ngày con càng được ông chủ thương yêu và tin tưởng. Ông khoe với mọi người rằng con nhanh nhẹn, biết chịu khó và thật thà. Nghe vậy, con càng quyết lấy lòng ông chủ. Phần vì mình mến con gái người ta, phần vì dễ chi tìm được việc nơi đất khách quê người. Mà nghề chạy xe đường dài lại là sở thích của con. Chỉ vàng má cho và số tiền lương tháng ít ỏi dành dụm được con đều gửi hết cho ông chủ để làm vốn chạy hàng. Coi như đánh bạc với trời vậy đó, được thì được cả, mất thì mất sạch. Thực ra, con cũng chẳng biết xài tiền vào việc chi, ăn ở đã có nơi lo, thỉnh thoảng Lan còn dẫn con đi chiêu đãi cà phê, hủ tiếu... Lăn tăn đời người như thế đã là quá tuyệt vời. Con định đưa anh Thịnh lên Sài Gòn luôn nhưng má không chịu. Lúc này má chạy cò mồi nhà đất cũng có đồng ra đồng vào nên quyết gọi anh Thịnh về lại Đà Nẵng. Má nói, đói no gì có mẹ có con cũng hơn.
![]()
Minh họa: NGUYỄN BA
Theo xe chưa được nửa năm thì ông chủ hối con phải đi học bằng lái. Ông nói, cái nghề này tuổi cao, mắt kém không kham nổi đâu. Hai đứa bay tính được thì tao lui về làm thái thượng hoàng, giao hẳn chiếc xe cho mà làm ăn. Ôi, vậy là đời lại lăn tăn thêm bước nữa. Tưởng chỉ nói không ngờ ông chủ làm thiệt, từ ngày con có bằng lái, thỉnh thoảng ông lại ở nhà nghỉ ngơi, giúp vợ, giao cho con và Lan chạy hàng...
Cuộc đời riêng của thằng Hiên bắt đầu là như vậy. Chính nó đã kể tôi nghe những chi tiết trên đây trong một lần bất ngờ tìm thăm tôi đang sống ở quê, cách Đà Nẵng gần 50 cây số. Hôm đó, nó lái xe tải chạy Sài Gòn - Hà Nội, nghỉ lại Đà Nẵng chỉ được một ngày một đêm. Nó nói, con chỉ thăm được ba má, anh em và chú thôi, bạn bè để dịp khác. Cuối câu chuyện đông-tây, trời-đất hôm ấy, nó kết luận: “Chừ thì chỉ còn ba tháng nữa là con sẽ tổ chức đám cưới với Lan. Ba má nói ăn ở trong nhà người ta lâu năm quá rồi, chẳng qua chỉ là hợp thức hóa thủ tục với bà con nội ngoại nên sẽ không làm lớn. Ông già thì đã nghỉ hưu hẳn, xe giao cho vợ chồng con tuần trước là tuần sau con bán quách, thêm vào số tiền đã dành dụm được để mua chiếc mới chạy đường Sài Gòn - Hà Nội. Đời cũng phải lăn tăn chỗ này tí chút, chỗ kia tí chút mới vui chứ chú. Con mà ở hoài một chỗ như chú chắc là buồn không chịu nổi...”.
Hình như khoảng bốn năm sau lần gặp ấy, tôi có ghé nhà vợ chồng nó ở quận Bình Thạnh. Đúng ra phải gọi là công ty mới chuẩn, vì đằng trước nhà có treo chình ình dòng chữ “Công ty TNHH...”. Dưới đó là những dòng chữ nhỏ nêu cụ thể các mặt kinh doanh. Đại loại theo tôi hiểu là nhận vận chuyển từ A đến Z các loại hàng hóa (tất nhiên là trừ hàng quốc cấm), trên mọi tuyến đường trong nước. Thấy tôi nhìn mãi bảng hiệu công ty, trầm trồ thán phục cách làm ăn năng động và hiệu quả của lớp trẻ, nó vừa mời nước vừa nói: “Có gì đâu chú, lại lăn tăn một chút cho vui. Ở đất Sài Gòn này bây giờ người ta mở công ty, dẹp công ty dễ như lật bàn tay. Công ty của con chỉ có năm người chứ mấy, trong nhà đã ba người rồi. Chủ yếu là bán hóa đơn đỏ kiếm lời...”.
*
* *
Kế hoạch tôi tính gặp nó là thế này: Xin với cơ quan nghỉ một ngày, đón nó ở ngã ba Hương An, rồi dẫn nhau về quê nhậu và tán phét. Xem nhau như anh em nhưng mỗi người là một công việc, dễ gì được gặp. Nó cũng muốn vậy. Nó bảo, con thích lai rai miệt vườn như người miền Tây vậy, nhậu đường bệ ở các nhà hàng chừ con ngán ngẩm lắm rồi, nhất là nhậu theo kiểu tiếp khách thì chẳng khác nào bị tra tấn.
Tôi hỏi qua điện thoại, mày thích phá mồi gì nói trước để chú thiết kế, không thì lãng phí 8 tiếng đồng hồ vàng ngọc sau hơn ba năm gặp lại. Nó trả lời, con dễ tính lắm, chú biết rồi, ăn không quan trọng, chỉ ưa lăn tăn với chú một chút cho vui. Mà thiệt, suốt buổi gặp, nó chỉ ngồi uống và nói chuyện là chính, con gà vườn luộc trộn rau răm thơm phức mà chú cháu nhấm gần hết ngày vẫn chưa hết dĩa. Lần này gặp, tôi thấy nó khác hơn ở bộ râu mép cỏ vẻ tỉa tót cho hợp với tuổi sắp ngũ tuần, giọng nói trầm đục, nụ cười vang hơn và hình như lợi khẩu hơn.
Tôi bị việt vị ngay từ phút đầu khi hỏi: “Công ty mày bây giờ làm ăn thế nào?”. “Dẹp tiệm gần hai năm nay rồi chú ơi!” - Nó vừa uống bia vừa thản nhiên trả lời. Sau thấy tôi ngớ ra giây lát, nó minh họa: “Sài Gòn bây giờ năng động lắm, cả người làm chủ, làm thuê đều có quyền lựa chọn và đuổi bắt ước muốn của mình cho đến khi thấy chán. Như Trịnh Công Sơn nói “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...”, có người vòng vèo gần hết đời lại thấy trở về điểm xuất phát. Rứa nên mỗi ngày có lắm công ty ra đời và lắm công ty phá sản. Các công ty ở dạng như của vợ chồng con thường có hoàn cảnh tồn tại ngắn ngủi riêng. Hết thế sống, hết sứ mệnh lịch sử thì phải nhanh chóng chuyển đổi phương thức. Có thể nhanh hơn một chút là sống, chậm hơn một chút là chết. Hai đứa con của con giờ đã có việc làm rồi, đứa thứ ba cũng sắp ra trường. Con dẹp công ty, bán xe là để lo nhà cho tụi nó rồi mình lại lăn tăn tiếp...”.
Cái nó gọi “lăn tăn tiếp” ấy là học viết thư pháp. Theo nó, đây là nghề nhàn nhã, hợp thời, hợp tuổi tác, năng khiếu, sở thích và dễ kiếm tiền. Nghe nó say sưa kể đủ biết là nó đang đam mê loại hình nghệ thuật cũ mà vẫn mới này đến mức nào. Con học thư pháp gần một năm trời với một nhà sư trẻ. Ông ta giảng dạy bài bản từ lý thuyết đến thực hành. Thực ra thì cũng quan trọng hóa vấn đề chút thôi, có gì ghê gớm lắm đâu, con chỉ cần học rẹt vài ba tháng là xong ngay. Chủ yếu mình luyện viết chữ cho đẹp, mà cái đẹp của thư pháp thì mênh mông, mơ hồ lắm. Nên ai muốn hiểu đẹp theo kiểu nào cũng xong. Ví như cách viết chữ “nhẫn” chẳng hạn. Có người thích viết chữ nhẫn theo quan niệm của Phật giáo nên nét chữ n cuối cùng phải kéo dài, buông lỏng tay xuống như mặc kệ tất cả. Người bảo rằng đẹp phải là chữ nhẫn có nét ấn khóa bút ở chữ n cuối, như ngầm bảo rằng ở đời cái gì cũng phải có mức độ. Nói như Chúa không được, người ta tát vào má trái thì nhiều lắm chìa má phải ra cho tát một cái nữa thôi, tát tiếp là mình phải tát lại chứ chú. Có người lại thích chữ nhẫn thong dong cong vòng ở nét chữ n cuối như đang thăng hoa cùng triết lý thoát tục. Con thì con thích chữ nhẫn viết thành hình quả núi, có sức bám tựa mà cũng có đỉnh cao là phần trên của chữ h và chữ â. Nhẫn ni là “bách nhẫn thành kim” đấy, giống như trường hợp Hàn Tín luồn trôn, Câu Tiễn nếm phân. Thích vậy mà con luyện hoài vẫn chưa thấy ổn.
Người ngoài cuộc chỉ nghe thuyết giảng chừng đó đã thấy thư pháp cao siêu mầu nhiệm quá, phải không chú? Thói thường ai cũng muốn kít mình lên một chút vậy thôi. Trong cuộc như con, cảm giác bình thường lắm. Nghệ thuật cũng chẳng phải là gì to tát lắm đâu. Đôi khi lại thấy nó bị lợi dụng đến đáng thương và đáng tiếc. Đã có mấy lần con được mời tham gia các chương trình nghệ thuật khép kín, trong đó có biểu diễn thư pháp. Nói là biểu diễn nhưng kỳ thực là bán chữ. Họ bắt con phải mang khăn đóng áo dài, ngồi chễm chệ ở một không gian khá liêu trai. Họ giới thiệu con là một nhà thư pháp trẻ tài hoa nhất nhì của Sài Gòn. Thế là các ống kính, máy ghi âm tập trung vào như muốn xé mình ra trăm mảnh. Con cá tám lạng nói một cân nghe còn được, đằng này tám lạng nói mười cân con nghe ngượng nát mặt. Vậy mà riết rồi cũng quen với cách nói, cách làm ấy. Nhiều khi nghĩ lại thấy mình hèn, hèn mà không dám nói ra là mình hèn. Chẳng biết có phải vì thế mà cho đến bây giờ con vẫn thiếu tự tin khi viết chữ tâm, viết cách chi thấy cũng không đẹp...
Nó nói chuyện về thư pháp chiếm gần hết năm mươi phần trăm thời gian chú cháu gặp nhau. Thỉnh thoảng nó chặc lưỡi: “Tiếc, con không mang theo giấy bút để viết cho chú xem, nói như thế này chú khó hình dung lắm”. Trước khi chia tay và hứa hẹn cuộc gặp hoành tráng tiếp theo ở Sài Gòn, nó thắp hương trên bàn thờ mẹ tôi, rồi nói: “Hồi chú dẫn con vào đây chơi bà vẫn còn sống, con nhớ cái bàn ăn kê chỗ này nè, giường bà nằm chỗ kia kìa. Không có chi thay đổi nhiều chú hả, chỉ có mình già đi”. Bước ra nhìn khu vườn rộng mà vắng tanh, nó tiếp: “Nên chú cũng phải tự tạo chút lăn tăn đời mình cho vui. Như con ri nè, con còn lăn tăn nữa đấy, biết đâu đến già lại về xin chú chút đất dựng túp lều, rồi chết gửi bát hương vô một ngôi chùa nào đó là xong. Nhiều người bảo cuối đời rồi, con nên đi tìm lại gia tộc mình. Chuyện đó không khó nhưng chẳng ích chi, thêm rắc rối, lâu ni mình sống như thế vẫn tốt đạo đẹp đời rồi. Chừ cũng cứ thế mà sống”.
T.Đ