|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Quê hương màu đất
Tác giả: Huỳnh Minh Tâm


Nếu chiết tự rồi suy diễn ra, thì Vọng nguồn là tiếng vọng non nước núi rừng, tiếng vọng nguồn cội bản lai, tiếng vọng của cố hương qui khứ, tiếng vọng  tuổi thơ của “Hoàng tử bé”, tiếng vọng của bờ lá, bờ gò, bờ bụi, của lưu thủy đơn côi hoặc trùng phùng, của trùng trùng duyên khởi tự tâm tính - tức là tiếng nói của tâm hồn nhuần nhụy với đất đai cố quận. Ấy là chúng tôi đã mang gươm đao mà múa lên trên sàn hội. Nhưng đôi khi nó là vậy, bởi thơ ca bí ẩn lạ thường mới mời mọc độc giả. Ôi cánh đồng bất tận của tôi/ hãy trải nghiệm bình minh lên từ nắng từ gió/ từ hoàng hôn rêu màu hoang tịch/ trổ giấc mơ bay qua ngọn đồi/ nẻo đường đi về còn có dòng sông/ niệm lòng thao thức/ lặng lẽ ao đầm nở hoa súng tím/ nụ xuân thì thơm từ sơ khai” (Bài tình ca cánh cò).

Không, nhất định là không phải như vậy khi chúng tôi gán ghép các ý niệm triết học nào đó cho thơ Đinh Huyền. Bởi tôi biết Đinh Huyền làm thơ đã rất lâu, dường như không dưới hai mươi năm rồi. Anh trằn trọc, bầm dập với nó rất nhiều lần, rất lâu bền, rất tỉ mẩn với cảm xúc thực thụ của “một nông dân cày ruộng”. “Như người nông dân/ hai sương một nắng/ cuốc góc chặt bờ/ theo dấu chân trâu/ giữ đường cày đi thẳng/ ươm hạt bón phân/ mơ ngày mai tươi sáng/ từng giọt mồ hôi rơi...” (Tác phẩm). Nhưng đôi khi tôi cũng không dám chắc điều đó, bởi tâm hồn nhà thơ làm sao lấy thước đo chiều kích?

Tập Vọng nguồn đã cày xới mảnh đất quê hương trong nhiều thi tứ, thi ảnh rất truyền thống và nhiều màu sắc biểu cảm.

Với Quê ngoại, anh có những dấu lặng: “Cứ hẹn với lòng rồi xao lãng/ vườn trăng/ quê mẹ/ lối gầy/ hương làng xanh xao nỗi nhớ/ .../ gió hoàng hôn chảy bời bời ngõ ngách”. Hình ảnh không mới nhưng gợi, câu thơ chắc tay.

Với Làng, thơ mộc mạc, giàu tính cội rễ, tình yêu thương và sự gắn bó: “Còn đó bờ quê nương bóng đi về/ nơi máu thịt đã thấm từng thớ đất/ nơi mẹ ngày xưa/ cắt rốn tôi bằng con dao tre cật/ nơi cha bẻ bảy loại gai/ xông ngày tròn tháng đặt tên”.

Với cha, thơ nhàu nhàu nước mắt nhân sinh tan hợp: “Hoàng hôn nắng nhòa góc núi/ hoa trang đỏ mắt mong chờ/ con xa mười năm có lẻ/ bạc đầu lau sậy phất phơ/ nén hương thay lời tạ tội/ man man sợi khói diệu huyền” (Viếng mộ). 

Với mẹ, Đinh Huyền có nét riêng của xao xác đớn đau, của tri ân mẫu tử biển lớn sông dài: “Sông vẫn chảy qua làng mà lòng trầm tích/ không viết nổi câu thơ gửi mẹ quê nhà/ .../ bao nhiêu năm rồi thưa mẹ/ vẫn bóng trăng thanh vẫn đó ao làng/ hoa nở dọc bốn mùa xanh khát vọng/ thương một đời mẹ khuất đò giang!” (Gửi mẹ quê nhà).

Với mùa và đất, anh có những câu thơ chật nỗi niềm và xao động, rất gần gũi với những hình ảnh làng quê Việt Nam: “Ôm mùa xuân trên tay/ như ôm bó hoa đầy hương sắc/ màu đỏ môi hôn ngày gặp mặt/ màu vàng cánh đồng khi qua/ .../nợ dòng sông, một chuyến đò” (Đi cùng mùa xuân).

Với quê xứ, đi xa rồi ngày về, những lấn quấn ký ức, kỷ niệm, nợ nần, đua chen, cơm áo, danh vọng, anh đẩy lên như một tiếng bi thương ngậm ngùi: “Khăn áo câu thơ quay quắt tìm về/ sợ làng không nhận mặt/ đùn giấc mơ phía trước/ lang thang triền sông/ vốc chiều uống thỏa/ tuổi thơ xanh ký ức quê nhà/ Lam Phụng ngày xa/ Trăng buồn gội tóc” (Vọng nguồn).

Với sông nước đò giang, anh có niềm trắc ẩn, những ký ức vụn nhưng gợi lại một cảm xúc mất mát, một tiếng sóng dễ bị lãng quên: “bến chiều/ hoang vắng buồn xo/ nhẩn nha cuối bãi/ cánh cò/ nhặt rêu/ bóng ai/ đã mỏi tay chèo/ đâu người/ năm cũ/ ngồi neo/ phận mình” (Bến đò xưa).

Đọc đến cao trào của sự dâng hiến thơ ca như các bài: Tác phẩm, Quê ngoại, Làng, Trước tượng vũ nữ Chăm, Bài tình ca cánh cò, Trên đường hoa mẫu đơn, Kỷ niệm... dường như tôi cảm nhận sự giao thoa thơ của Đinh Huyền với những nhà thơ cùng quê hương Đại Lộc là Ngô Hà Phương, Nguyễn Hải Triều, Nguyễn Ngọc Hạnh... Ở đó chúng ta bắt gặp những cánh đồng quê mẹ, quê nghèo, quê rất mộc mạc, quê rất kiểng, quê rất máu thịt. Các anh đã tưới và vun xới lên bằng ngôn ngữ thơ ca giàu hình tượng, giàu màu sắc và tính lan tỏa. Âm vang của “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi” (Làng - Nguyễn Ngọc Hạnh); “Khuyết một trời tuổi thơ tôi/ Rưng rưng đìa ao sông biếc/ Cái lờ bộng dây bủa câu con cá tràu con cá diếc/ Bóng mẹ đồng xa lúa má/ Quay quảy lo phiền chiếc đòn gánh cong cong...” (Đòn gánh - Nguyễn Hải Triều); “Cuộc đời bão thổi/ anh đã đi vạn dặm chân trời/ sao có điều rất lạ em ơi/ vẫn chưa đi khuất tiếng gà trưa xao xác/ tiếng mẹ la con tiếng sáo cưỡi diều/ tiếng con trẻ kéo ngày lên ngõ nhỏ/ tiếng gàu khua trăng tiếng lá động chiều/ tiếng nhái nhai đêm tiếng vườn mỏi quả/ tiếng võng vẽ vòng tiếng mọt mài trưa” (Bóng làng - Ngô Hà Phương). Dường như các anh đã góp phần bảo lưu và mở rộng nét đẹp, nét văn hóa quê hương trong dàn hợp âm nhiều cảm xúc khác biệt.

Rõ ràng khi đọc toàn bộ tập Vọng nguồn, độc giả vẫn nhận ra một số bài chưa như ý, như cảm xúc chưa tới, việc sắp xếp các khổ chưa thật hợp lý, chưa thật tạo ra sự mới lạ và ấn tượng, nhiều khi dụng chữ quá làm khô cứng nhạc điệu bài thơ, nhiều từ địa phương quá làm bài thơ không có tầm vang xa, nhiều hình ảnh còn lặp lại và chưa tạo ra sự đột biến trong thi tứ... Nhưng có lẽ tập trung cho đề tài quê hương nên những hạn chế thường tình ấy là điều không tránh khỏi. Không phải tự dưng mà bạn thơ Nguyễn Giúp đã giới thiệu Đinh Huyền một cách mộc mạc phong lưu: “...Với mớ ngôn ngữ ám ảnh xua đuổi quá khứ và hiện tại, người chết và người sống, giữa hư và thực trộn lẫn bóng dáng cô hồn thất thểu hành khất nơi triền sông: “Khăn áo câu thơ quay quắt tìm về/ Sợ làng không nhận mặt...”, chợt nhận ra sự cô đơn, chợt nhận ra nỗi buồn bùng nổ dửng dưng và lạ lẫm... Thơ anh mãi ám ảnh niềm khát khao ra đi rồi quay về, mãi không thoát khỏi tiếng chim sửng dại nơi đầu ngọn tre, nơi sợi khói chiều vướng lụy nỗi đau đằm thắm và độ lượng...”.

Còn với người viết bài này, vẫn nhìn quê hương trong thơ Đinh Huyền một màu đất mẹ dung dị, chứa chan đằm thắm, và hình tượng đất nhẫn nại, bền bỉ của tiểu thuyết những năm chiến tranh. Và nhớ những câu của Lamartine: “Thơ ca phải thầm kín, có cá tính, suy tư và nghiêm trang”, “là sự hiện thân cho những gì thầm kín nhất của con tim và thiêng liêng nhất của tâm hồn con người và cho những hình ảnh tươi đẹp nhất, âm thanh huyền diệu nhất trong thiên nhiên”. Suy nghĩ mãi về điều này, dường như tôi nhận ra một phần nào đó Đinh Huyền đã làm được, và hy vọng anh sẽ biến những điều không thể thành có thể, mở rộng tri thức thi ca hiện đại như lời mở đầu bài viết, tôi như con bò rống to, đôi lúc cần vậy chăng? Và làm sao tôi có thể khước từ “cảm ơn ngày đã không giữ tôi/ trong chiếc lồng sơn phết/ tôi hái nhành xuân tặng em/ bài thơ và bản tình ca/ được phổ từ trái tim mình”.

H.M.T



Đọc Vọng nguồn, thơ Đinh Huyền, NXB Đà Nẵng-2015

Quay về
VĂN
Bến sông có ngải
Ước mơ gửi lại
Sân ga
Lăn tăn đời người
THƠ
Ấm lời Bác giữa Ba Đình
Tháng chín mùa thu thấy Bác về
Cung đàn Thu
Người chọn từ cho thơ vỗ cánh bay
Đất nước - tình yêu
Mùa thu tháng Tám
Đòn gánh + Những góc khuất
Những góc khuất
Tự khúc
Viết trong ngày biển động
Hình dung
Nhật ký gió cuốn
Tình yêu của những ngọn đèn đường
Cái chết của đá
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
Một số đặc điểm sắc bùa xứ Quảng
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
Tự do sáng tác và chân thực nghệ thuật
Quê hương màu đất
TRÀ DƯ TỬU HẬU
Những tiếng chim trong vườn nhà ngõ phố
VĂN HỌC-HỌC VĂN
Những cánh hoa mùa hạ