|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Luật trời
Tác giả: Trầm Nguyên Ý Anh

Truyện ngắn

 

Cơn mưa ập đến không báo trước. Một chiếc xe gắn máy phóng như điên, trên xe là một phụ nữ ngoài bốn chục. Con đường vắng tanh, hai bên lề là những rẫy mía bạt ngàn. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Người phụ nữ dáo dác nhìn quanh. Không một chỗ để đụt mưa. Thị lầm bầm mấy câu trong miệng như đọc thần chú. Thị nghe lạnh. Trời lại tối dần. Rồi như trời muốn trêu tức thị, chiếc xe đột nhiên dừng lại. Chết máy rồi! Quỷ bắt nó! Thị chửi khan. Có phải khi gặp vận đen thì cái gì cũng đen hết? Thị thấy mình đã tận cùng đen đủi. Nhưng thị không đầu hàng số phận. Thị chưa bao giờ đầu hàng. Đời thị, lúc nào cũng đấu tranh. Cái gì thị muốn là phải được. Thị chưa để thua ai. Có những lúc hiếm hoi ngồi soi rọi lại mình, thị cũng biết mình không phải là người tốt. Nhưng làm người tốt thì được gì kia chứ! Làm người tốt để bị bắt nạt mà không dám phản kháng sao? Để thua thiệt à! Không - thị không cần cái tiếng tốt hão huyền đó. Thị thực tế hơn. Ngay từ lúc mới sáu tuổi, thị đã không ngần ngại lấy cắp con búp bê biết nhắm mắt của con nhỏ hàng xóm rồi giấu kỹ trong kẹt tủ. Tại sao nó có mà thị không có? Tại sao nhà nó giàu hơn? Vậy thì, nó cứ biểu ba nó mua con búp bê khác đi. Thị giấu con búp bê ăn cắp đến khi câu chuyện mờ đi, thị đem nó ra chơi. Gần thi tú tài, biết khả năng mình không thể đậu, thị lân la mua chuộc thằng bạn học có cùng tên và chắc chắn khi thi sẽ ngồi gần. Suốt ba ngày thi, thị được coppie bài làm của tên bạn đó và thị cũng đậu tú tài như ai.

Thị lầm bầm van vái. Thị không hề có đức tin. Nhưng giữa hoàn cảnh ngặt nghèo này, thôi thì cứ cầu xin. Được thì tốt, không được thì thôi. Đi thêm một đỗi nữa, thị bỗng nghe tiếng chuông. Đúng là tiếng chuông chùa rồi. Thị mừng quýnh lên. Ít ra, một ngôi chùa cũng là chỗ đụt mưa tốt nhất. Đối cùng, vẫn có thể ngủ qua đêm. Thị phấn khởi đi về phía tiếng chuông đang thong thả ngân buồn trong buổi chiều hoang vu tịch lặng.

Cái khung cảnh trang nghiêm trầm mặc của gian chánh điện trong buổi chiều mưa càng khiến lòng thị chùng xuống. Thị dựng xe ngoài sân, gần cái hồ sen nhỏ. Thị rón rén bước vào. Thời kinh cũng vừa dứt. Thị cất tiếng: “Dạ! Con đi tới đây thì xe chết máy. Con xin đụt mưa nhờ ở chùa!”. Một vị nữ tu quay lại: “Không sao đâu! Cô cứ vô uống ly trà cho ấm. Mưa lớn quá!”. Rồi bà nói vọng vô trong “Diệu Tâm! Con nói cô Thọ châm giùm thầy bình trà, dọn luôn mâm cơm mời khách nghe!”. Thị lúng túng chưa biết phải làm gì, sư bà đã khẽ khàng: “Cô lễ Phật đi, rồi xuống nhà trai dùng cơm với cô Thọ luôn. Chắc cô phải nghỉ lại đêm nay rồi, mưa lớn như vầy mà xe lại chết máy”. Thị ậm ờ rồi ngập ngừng đến trước bệ thờ Phật tổ. Thị len lén nhìn lên. Phật đang nhìn thị bằng gương mặt an nhiên, nụ cười hiền hòa thánh thiện. Còn thị lại lúng túng không yên. Thị không dám nhìn lâu, nhìn thẳng vào Đấng Chí tôn. Rồi thị cúi lạy thật mau. Thị chỉ muốn xuống nhà trai cho rồi.

Mâm cơm đã dọn với hai cái chén, hai đôi đũa. Cô Thọ tới làm công quả là một cô gái địa phương với nét mặt hiền hòa. “Chị dùng cơm với tôi luôn nghe! Ngày thường, tụi tôi ăn đơn giản lắm! Chỉ ngày rằm, mùng một mới có mâm cúng tươm tất”. Thị nhìn thấy dĩa rau luộc, chén đậu phụ kho và hai trái chuối. Thôi, dẫu sao cũng tốt quá rồi! Có chỗ đụt mưa, lại có cơm ăn, chỗ ngủ. Ít ra, cũng không phải lặn lội trong mưa còn phập phồng lo sợ. Có chuyện tày trời gì thì cũng ăn no rồi mới tính. Thị ăn ngon lành hai chén cơm đầy có thể vì lạ miệng và cũng có thể vì đang đói. Trời đã tối hẳn. Thị muốn phụ dọn dẹp chén đũa nhưng cô Thọ đã mau mắn: “Chị rửa mặt mũi tay chân cho khỏe rồi lên uống trà với cô Diệu Tâm đi, tôi dọn được mà!”. Bỗng dưng, thị nghe lòng chùng xuống. Bao nhiêu toan tính độc ác, dữ dằn như cũng lắng đọng trong khung cảnh tịch lặng này. Thị rón rén trở lên gian thờ Cửu Huyền Thất Tổ và cũng rón rén ngồi xuống ghế, nơi đã đặt sẵn bình trà và mấy cái ly. Ngọn đèn dầu tỏa ánh sáng mờ mờ. Có lẽ vùng này chưa có điện. Bóng một ni cô từ chánh điện bước xuống cũng làm thị giật mình. Thị lắp bắp: “Cô ngồi uống trà với con đi cô!”. Thị không nhận ra ni cô này trẻ hay già, thị chỉ biết người đã xuất gia thì mình phải xưng con, vậy thôi. Người nữ tu nhẹ nhàng kéo ghế. Ánh sáng ngọn đèn tuy mờ nhạt nhưng đủ để thị nhận ra một gương mặt quen quen. “Cô... cô là...”. Thị bỏ lửng câu nói rồi trân trối nhìn người nữ tu như vừa trông thấy một cái gì khủng khiếp lắm!

*

*          *

Bằng ánh mắt vô tư và gương mặt an nhiên, ni cô Diệu Tâm nhìn thị. Một vài giây ngắn ngủi thôi, nhưng thị tưởng đã trải qua vô lượng kiếp. Đầu thị như có một luồng điện chạy qua. Tay chân thị như bị người ta điểm huyệt. Trời cao đất rộng mà bây giờ lại nhỏ bé đến vầy sao? Sao thị lại gặp người đàn bà ấy ở đây, vào cái lúc đau khổ, ăn năn và hận thù trộn lẫn. Ni cô Diệu Tâm ngồi xuống ghế, cô rót hai ly trà: “Chị uống đi! Chuyện gì rồi cũng nhẹ nhàng nếu mình lấy lẽ Đạo Từ bi mà giải quyết. Chị lặn lội trong hoàn cảnh như vầy chắc có chuyện lo toan. Tôi thấy chị ốm và sa sút quá!”. Thị run run muốn bưng lấy ly trà, nhưng nghĩ sao, thị rụt tay lại. “Sao cô lại đi tu? Cô đi tu lâu chưa? Cô đi tu rồi thằng nhỏ ai nuôi?”. Ánh mắt Diệu Tâm chùng xuống. Dẫu sao, cô cũng chưa là Phật. Cô vẫn là một con người đang đi trên con đường giải thoát thôi. “Nó chết rồi!”. Có một tảng đá vô hình nào đó đang rơi và đập mạnh vào đầu thị. Thị trợn mắt, thị líu lưỡi, thị muốn nói thật nhiều mà sao cổ họng như nghẹn lại. Hình ảnh thằng con trai năm tuổi đáng yêu và thông minh biết chừng nào hiện lên trước mắt. Cả đời thị chỉ mơ mình có một đứa con như vậy, giống nó. Tại sao một đứa con gái quê mùa, ít học và không nhan sắc như Đào (tục danh của Diệu Tâm) lại có thể sanh cho người ấy đứa con tuyệt vời như vậy. Còn mình thì không. Cuối cùng, thị cũng mở được miệng: “Nó chết hồi nào? Tại sao chết?”. Gương mặt Diệu Tâm bây giờ như được đúc bằng đá. Ánh mắt cô như đang nhớ về quá khứ nhưng chẳng biểu lộ chút vui buồn nào hết. “Nó chết một tuần sau khi tôi đến nhà chị tìm ba nó báo tin nó mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi đã chạy chữa hết khả năng của mình nhưng không được. Phải chi lúc đó có nhiều tiền hơn, đem nó đi Sài Gòn sớm hơn thì còn cứu được!”. Diệu Tâm nói những lời này bằng một giọng đều đều, không hàm chứa một sự oán trách nào hết, nhưng người nghe thì không. Trong đời, nếu có một ngày ta ngồi ôn lại chuyện cũ và bị lương tâm mình khiển trách vì một việc làm nào đó, thì nỗi ân hận chắc sẽ đốt cháy tâm can như người đàn bà đang đối diện với Diệu Tâm. Thị nghe như có một luồng ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Thị như một phạm nhân đang chờ tòa phán quyết tội mình. Quá khứ vụt hiện về như mới hôm qua.

*

*          *

Đào đang loay hoay trước cái cổng rào mà chưa mở được thì mưa ập xuống. Cô cất tiếng gọi to: “Chị Minh ơi! Mở giùm cửa cho tôi. Tôi cần gặp anh Dân gấp!”. Người đàn bà với trái lê đang gọt dở bước ra. Thị nhún vai: “Kêu réo gì? Anh Dân đi công tác nước ngoài cả tháng lận. Tòa đã xử rồi, còn kiếm chuyện làm rộn người ta sao?”. Rồi thị bỏ vào trong. Đào quị xuống rồi lại gượng đứng dậy. Cô bước lầm lũi trong mưa. Bé Du đã nhập viện hai ngày nay. Đào muốn cho ba nó hay nhưng vẫn còn ngại. Hai người đã ra tòa. Quan hệ vợ chồng đã chấm dứt. Cô xin được nuôi con. Ba thằng bé đã đường hoàng sống với người tình mới. Bảy năm chung sống, cô đã tròn phận vợ. Cô vốn biết mình không xứng với Dân trong cái nhìn của mọi người, nên cô đã sống hết lòng với chồng mong được bù đắp lại. Cuộc hôn nhân của hai người là ý người lớn. Dân thương mẹ và muốn mẹ vui. Những năm tháng Dân miệt mài ở đại học thì Đào đã hết lòng chăm sóc bà Năm. Dân cưới Đào để mẹ vui vẻ ra đi khi căn bệnh đã tới hồi nguy kịch.

Một luồng gió lạnh ập vào. Ngọn đèn dầu lóe sáng lên rồi vụt tắt. Một ánh chớp rạch ngang trời và tiếp sau là một tiếng sấm kinh hồn. Người khách không mời của chùa hoảng sợ. Không phải chỉ vì ánh chớp, cũng không phải vì tiếng sấm xé trời mà vì lòng thị đang rúng động. Con người chưa bao giờ biết sợ và dám làm tất cả, giờ như kẻ đang chơi vơi giữa sóng cuồng biển cả mà không biết bám víu vào đâu. Diệu Tâm đốt lại đèn, rót thêm trà vào ly.

Thằng bé Du vừa tròn hai tuổi, Dân cũng bước một bước dài trong hoạn lộ, trở thành giám đốc công ty du lịch. Dân có tài, hoạt bát và khá đẹp trai. Điểm ngắm của một số phụ nữ độc thân hay đã chồng con rồi mà vẫn còn thấy thiếu. Trong số đó, Tuyết Minh là một đối tác đáng gờm nhất.

Một chiều cuối năm, Tuyết Minh xuất hiện ở nhà Dân với gói quà to tướng. Dân đang dự liên hoan ở cơ quan. Thị đến tặng quà Tết. Đào rót nước rồi kín đáo quan sát. Người đàn bà xấp xỉ bốn mươi. Trang điểm cầu kỳ, quần áo đắt tiền, trang sức lấp lánh. Thị nói bằng một giọng vững vàng: “Tôi đến để biết mặt vợ giám đốc Dân. Tôi nghe nói cô xuất thân quê mùa và ngày xưa giống như cô Lan trong truyện Lan và Điệp, nuôi mẹ chồng cho chồng ăn học”. Đào thảng thốt. Cô vốn là cô gái hiền lành, nay lại gặp phải người đàn bà ghê gớm này. Cô thấy sợ, linh cảm đây không phải là người tới chúc tết bình thường. Thằng bé Du đang chơi bên hè vụt chạy vào: “Mẹ! Con uống nước!”. Đôi mắt Tuyết Minh bỗng sáng lên. Thằng bé dễ thương quá. Trời ạ! Tại sao nó lại là con của đứa con gái quê mùa này, mà không là con của mình. Lòng thị dậy lên một thứ tình cảm ghen ghét. Thị đưa tay ngoắc: “Lại đây cô biểu! Con tên gì?”. Thằng bé đăm đăm nhìn thị bằng đôi mắt mở to, dường như nó cảm nhận được thị không phải là người tốt. Nó ngồi im. Tuyết Minh nói thêm vài ba câu bâng quơ, nhìn khắp nhà bằng con mắt dò xét rồi ra về. Đào phập phồng lo sợ một bất hạnh sắp đến với mình.

 

Minh họa: TRẦN ĐỨC


Mồng hai Tết, ở một khu nghỉ mát tại Vũng Tàu. Tuyết Minh vừa thả tầm mắt ra xa, nhìn những con người đang nô đùa tung tăng cùng sóng nước, vừa nói với Dân đang nằm đọc báo: “Anh liệu tính sao thì tính. Em không thích cái cảnh lén lén lút lút này đâu. Anh thừa biết con đường tương lai của anh phần lớn do em đem lại. Bộ anh tính được cá quên nơm sao?”. Dân liếc ngang Tuyết Minh một cái, gã còn lạ gì người đàn bà nhiều mưu sâu kế độc này. Nhưng cũng công bằng mà nói, cái ghế giám đốc công ty du lịch đâu phải vì gã có tài mà được. Tuyết Minh đã khéo léo luồn lách đầu này, nhờ vả đầu kia gần hai năm trời mới có được. Có Tuyết Minh bên cạnh, gã như có một trợ thủ đắc lực nhưng cũng đáng gờm lắm. Gã kéo nhẹ Tuyết Minh vào lòng rồi vòng tay ôm chặt người đàn bà “trên cả tuyệt vời” này. “Anh sẽ tính mà! Không để em đợi lâu nữa đâu, cưng ạ!”. Nói xong, gã chợt nghe lòng mình chùng xuống. Đào là một người vợ tốt. Đào cũng đã chăm sóc mẹ gã và là một cô dâu hiếu thảo. Chỉ một tội, Đào không giúp gã được gì trên đường công danh. Gã chưa muốn dừng lại, gã còn muốn tiến xa hơn nữa và trong ván cờ này, Tuyết Minh mới là người tối cần cho gã.

*

*          *

Phiên tòa kết thúc với mọi chuyện đều êm đẹp. Đào buồn mà không khóc. Tuy ít học, quê mùa, nhưng Đào thấu hiểu một điều: Tình cảm không miễn cưỡng được. Dân đã không còn yêu cô. Mà đúng hơn là Dân chưa hề yêu cô. Cô đã quá mệt mỏi trong suốt thời gian làm vợ Dân. Cố gắng và lo sợ cái ngày mất Dân cho đến khi Tuyết Minh xuất hiện. Cô đã nghe những lời nhẹ nhàng từ miệng Dân, những lời nói nhẹ mà bén như dao lam để cắt đứt, để chấm dứt cuộc hôn nhân chỉ có tình yêu từ một phía: “Mình ly dị đi em! Anh biết anh có lỗi với em, với con. Nhưng thật tình anh không chọn lựa được. Tuyết Minh đã giúp cho anh nhiều quá! Anh không thể rời xa cô ấy. Bước đường công danh của anh còn cần cô ấy rất nhiều. Anh biết em rất thương con. Em nuôi con để còn có niềm vui. Anh sẽ cung cấp tiền để hai mẹ con sống thật đầy đủ”. Đào không nói được gì lúc đó. Lẽ ra, cô phải nhìn ra sự việc từ trước khi lấy nhau. Lẽ ra, cô phải thấy Dân là đứa con hiếu thảo. Chỉ vì để mẹ vui mà cả hai đã lỡ dở một đời. Mấy ngày sau đề nghị của Dân, Đào đồng ý với mong muốn được về quê của cô sinh sống. Đào không muốn nhìn thấy cảnh cũ mà đau lòng. Cô buồn cho phận mình nhưng cô không trách Dân. Cô chỉ muốn nuôi dạy con khôn lớn, nên người.

Tuyết Minh là người rời khỏi phòng xử sớm nhất. Thị không giấu nỗi vui mừng khi mọi việc nhẹ nhàng hơn thị tưởng nhiều. Dân đến bên con, thằng bé khá thông minh để biết chuyện gì đang xảy ra với ba mẹ nó. Dân ôm nó vào lòng. Vừa định hôn con thì thằng bé Du vụt hét lớn: “Con ghét ba, ba xấu lắm!”. Rồi nó chạy ùa vào lòng mẹ và đôi mắt nhìn về phía Dân đầy căm phẫn. Đào dắt tay con theo người chị họ. Vậy là xong! Bây giờ chỉ việc nuôi con. Cô bỗng nghe lòng nhẹ nhàng thanh thản như vừa nhổ được cái răng sâu.

Căn phòng giống hệt phòng tân hôn. Dân tới ở nhà Tuyết Minh, một căn nhà kiểu biệt thự, nhỏ nhắn nhưng không kém phần sang trọng, nên thơ. Tuyết Minh hớn hở như cô dâu ngày cưới. Dân vẫn ngồi hút thuốc, mặt đầy vẻ đăm chiêu. “Sao anh không nuôi luôn thằng bé? Nó dễ thương tới vậy tại sao lại giao cho con nhỏ quê mùa đó?”. Tuyết Minh vừa xịt nước hoa vào tay vừa xoa xoa sau gáy, hỏi Dân bằng giọng lưỡi của một kẻ đắc thắng. Dân xoay người lại, trừng mắt: “Em độc ác tới vậy sao? Em đã đoạt mất chồng rồi lại muốn bắt luôn con của người ta. Vừa vừa thôi chứ!”. Tuyết Minh cũng không vừa: “Sao? Hối hận rồi phải không? Vừa muốn địa vị tiền bạc, vừa muốn làm chồng làm cha tốt. Cũng được thôi, có bản lĩnh thì xoay sở một mình coi. Không có con này, coi anh làm được gì cho biết!”. Dân chột dạ. Đúng là không thể qua nổi người đàn bà ghê gớm này. Thôi thì lấy nhu thắng cương vậy. “Thôi, huề đi. Anh cũng thấy tội cho Đào, mình đâu thể cạn tàu ráo máng được. Em đi ăn thua với cô gái quê đó làm gì!”. Tuyết Minh cũng thay đổi thái độ: “Em ác độc gì đâu! Anh thừa biết em không thể có con nên em cũng thương thằng bé, dẫu sao nó cũng là con anh mà!”. Dân đấu dịu: “Còn thiếu gì thời gian. Mình có tiền thì thiếu gì cách”.

*

*          *

Đồng hồ trên tường thong thả điểm mười tiếng. Trời đã bớt mưa. Hai người trong cuộc vẫn im lặng. Mỗi người đang nghĩ về chuyện cũ theo cách của mình. Tuyết Minh vẫn nhớ như in cái ngày Đào tìm để báo tin bé Du bệnh. Tòa vừa xử xong mấy tháng. Thị đang hạnh phúc tràn trề sao Đào lại tìm tới. Trong cái đầu hẹp hòi ích kỷ và đầy toan tính của thị có lúc nào lại nghĩ tốt cho người đâu. Muốn đóng vai người tội nghiệp để Dân nghĩ lại chắc! Đừng hòng có chuyện đó. Thị quay vào trong đúng lúc Dân vừa từ phòng tắm đi ra. Thị nhìn người đàn ông phải vất vả lắm mới có được rồi khẽ khàng: “Mình đi du lịch một chuyến đi anh. Đi để biết bạn bè người ta làm gì mà học theo”. Dân vừa chải tóc vừa trả lời: “Công chuyện còn đầy ra đó, đi đâu lúc này!”. Tuyết Minh cười nhẹ: “Vậy đi công tác. Em sẽ nói chú em cho anh một chuyến công tác đột xuất rồi mình tranh thủ đi chơi luôn. Được chứ?”. Dân xoay người lại. Người đàn bà này đúng là chiếc chìa khóa vàng mở được mọi cánh cửa dù khó khăn nhất.

Chuyến công tác đột xuất dưới sự phù phép của Tuyết Minh đã đưa thị và Dân ra tận Hạ Long, vừa để thư giãn vừa để học hỏi. Một tuần đắm mình trong hạnh phúc và hưởng thụ biết bao điều. Một tuần để bây giờ nó lại là vết cắt đầu tiên lên cái lương tâm đã chai lỳ của thị. Gương mặt bé Du hiện ra với nụ cười cho mẹ và ánh mắt dữ dằn cho thị. Nó chết rồi! Thị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu thị không ích kỷ hẹp hòi, đừng giấu ba nó chuyện thằng bé bệnh. Nếu thị đừng phù phép cái chuyến đi Hạ Long đó, chắc nó được chạy chữa, chắc nó không chết. Thị bỗng ôm lấy đầu rồi bật khóc.

Trời vừa mờ sáng, Tuyết Minh đã rửa mặt xong. Vẻ mặt bơ phờ hốc hác của thị khiến Diệu Tâm chạnh lòng. Hai người đã ngồi với nhau tới sáng. Tuyết Minh đã kể chuyện Dân vừa cưới vợ. Thị quá chủ quan, thị quá kiêu căng ngạo mạn để cho mình cái quyền sinh sát. Thị đã nuôi một con cọp và ngày thường, lúc nào nó cũng nghe lời thị. Chỉ đến lúc thật cần thiết, nó đã cho thị biết thế nào là sức mạnh của chúa sơn lâm. Hơn ba năm chung sống, Dân như một con rối trong tay thị. Và thị, thị làm mọi việc cũng để vun đắp cái tổ ấm mà thị đã cướp đoạt của người. Bây giờ, thị mới vỡ lẽ ra chính thị mới là người hay biết sau cùng chuyện bé Du chết. Thì ra, Dân đã hay sau đó một tháng. Đào một mình nuôi con và chôn con. Cúng bốn mươi chín ngày cho con xong, Đào về chùa xin được xuất gia đầu Phật. Cõi trần đã không níu giữ được cô. Dân lần theo dấu vết câu chuyện và biết được Tuyết Minh là người phải chịu trách nhiệm về cái chết con mình. Nhưng thị đang nắm giữ nhiều cơ hội để gã đi lên. Và gã cũng thấy được một điều. Nỗi hận này, mối thù này phải từ từ trả, không thể gấp gáp được. Phải đánh trúng vào chỗ đau nhất của người đàn bà có một không hai này.

*

*          *

“Bây giờ chị đi đâu?”, Diệu Tâm nhìn Tuyết Minh ái ngại. “Tôi gởi xe lại chùa, có người xuống lấy. Tôi phải đi công việc gấp!”. Diệu Tâm ngao ngán nhìn vào gương mặt không son phấn và đầy oán thù của thị: “Tôi có thể cho chị một lời khuyên không? Bằng cả tấm lòng tôi. Cái gì đã không còn là của mình thì luyến tiếc làm chi! Chị có tiền, có nhan sắc và có học, lo gì không tạo dựng được cho mình?”. Nghe tới hai tiếng “có học”, thị như đỉa phải vôi vì thị xài bằng giả. Đây cũng là nỗi đau âm thầm mà Dân là người biết rõ hơn ai. Chính gã đã công bố chuyện này trong nội bộ để được tiếng là “vô tư”. Chính gã đã hưởng ứng tích cực chiến dịch truy quét bằng giả để làm sạch cơ quan. Còn ai biết rõ trình độ học vấn của thị bằng gã. Cái ngày ông chú phó bí thư tỉnh của thị đột ngột qua đời, thị bàng hoàng biết vận may của mình đã hết. Những gì thị có được từ bấy lâu nay cũng không do thị tài giỏi. Người ta vuốt ve con chó là để được lòng chủ nhà. Còn cái chuyện Dân cứ lần khân chẳng chịu đăng ký kết hôn với thị cũng nằm trong chuỗi sự việc Dân đã tính toán. Chỉ tại mình đã tự cao tự đại, cho rằng “mục hạ vô nhân”. Lúc mọi người to nhỏ với nhau về mối quan hệ giữa Túy Vân - một người dẫn chương trình trẻ đẹp của đài truyền hình thành phố - và Dân, thị đã cười giải thích: “Đó chỉ là công việc thôi!”. Cho đến ngày Dân dọn ra ở riêng, thị mới bật ngửa. Chưa đầy hai tháng sau, họ cưới.

*

*          *

Diệu Tâm ngồi chờ ở phòng gặp phạm nhân. Cô đem theo một ít bánh ngọt và trái cây. Tuyết Minh bước vào, đi theo sau thị là một cán bộ trại giam. Vừa nhìn thấy Diệu Tâm, Tuyết Minh bật khóc: “Cô còn tới thăm tôi sao? Cô không hận tôi đã cướp chồng và giết con cô sao? Tụi nó đáng chết mà, tiếc là tụi nó không chết. Sao trời lại che chở tụi nó? Tôi nguyền rủa tụi nó. Tụi nó sống không yên đâu!”. Anh cán bộ trực ban nhìn thị: “Tới bây giờ mà chị vẫn chưa biết tội lỗi của mình. Chị mướn người lái xe đụng vợ chồng ông Dân là tội mưu sát. Chị phải biết ăn năn tội lỗi của mình để sớm được tự do. Đừng cố chấp nữa!”. Diệu Tâm nhìn Tuyết Minh buồn bã. Cùng một sự việc thôi, sao với người này cách giải quyết nhẹ nhàng êm đẹp quá! Còn với người khác lại ghê gớm, nặng nề và còn đẫm máu như vậy. Vợ chồng Dân và Túy Vân may mắn thoát chết nhưng thương tích cũng không nhẹ. Ngày đứng trước vành móng ngựa với mức án bảy năm, gã thanh niên được Tuyết Minh thuê đã tỏ ra ăn năn tội lỗi của mình. Còn thị thì không. Thị vẫn cho việc làm của mình không sai.

Hết giờ thăm nuôi, Diệu Tâm còn căn dặn: “Đừng làm gì cho ra chuyện nữa nghe chị! Cứ coi mọi chuyện như một giấc chiêm bao, chị sẽ thấy nhẹ nhàng hơn!”. Người nữ tu ra về lúc trời lất phất mưa. Cô bước nhẹ nhàng trong làn mưa bụi, miệng lâm râm cầu nguyện cho người đang đắm chìm trong vũng đời tội lỗi.

T.N.Y.A

Quay về
VĂN
Đi tìm huyền thoại cho đất!
Mùi đốt đồng
Phượng xưa
Nhịp cầu trong sương
Luật trời
THƠ
Thơ tôi không kịp lớn với quê hương