|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: SÂN CHƠI MỸ THUẬT KHU VỰC - NHỮNG "DẤU ẤN"
Tác giả: Võ Như Diệu


Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên lần thứ XX diễn ra tại Tam Kỳ trong lúc cả tỉnh Quảng Nam đang tích cực tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, chào mừng Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Nam lần thứ VII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đây cũng là lần thứ 3 Quảng Nam đăng cai tổ chức ngày hội lớn nhất hằng năm của các nghệ sĩ tạo hình trong khu vực, gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và thành phố Đà Nẵng.

Triển lãm lần này giới thiệu gần 200 tác phẩm hội họa, đồ họa, mỹ thuật ứng dụng và điêu khắc của 185 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên địa phương và các tác giả chưa phải là hội viên. Quảng Ngãi mang đến Triển lãm 20 tác phẩm của 18 tác giả, trong đó có một tác phẩm đoạt giải khuyến khích và một tác phẩm được giới thiệu dự giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam (giải Liên hiệp). Bình Định có 16 tác phẩm của 13 tác giả, với một tác phẩm đoạt giải khuyến khích và một tác phẩm được giới thiệu dự giải Liên hiệp. Phú Yên có 16 tác phẩm của 18 tác giả, với một tác phẩm đạt giải C và một tác phẩm được giới thiệu dự giải Liên hiệp. Khánh Hòa có 23 tác phẩm/ 22 tác giả với một tác phẩm được giới thiệu dự giải Liên hiệp. Kon Tum có 5 tác giả/ 5 tác phẩm với một tác phẩm đạt giải B. Gia Lai có 22 tác giả/ 23 tác phẩm, trong đó có 3 tác phẩm được giới thiệu dự giải Liên hiệp. Đắc Lắc có 22 tác giả/ 23 tác phẩm với 2 tác phẩm được giới thiệu dự giải Liên hiệp. Đà Nẵng 39 tác giả/ 43 tác phẩm với một giải khuyến khích và 4 tác phẩm được giới thiệu dự giải Liên hiệp.

Nhìn chung, so với triển lãm lần thứ XIX tại TP Đà Nẵng thì một số đơn vị giảm về số lượng tác phẩm tham gia ở tất cả các loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, theo đánh giá của hội đồng nghệ thuật, Triển lãm lần này có nhiều sự đột phá trong mảng đồ họa, sơn mài, mix media với ý tưởng lạ và kỹ thuật độc đáo. Sơn dầu có số lượng lớn nhưng sự sáng tạo và đột phá trong chất liệu khá khiêm tốn. Ở chất liệu điêu khắc gỗ, gò nhôm, điêu khắc tổng hợp có thể nhận ra những đột phá nhất định. Ngoài ra, đối với nhiều chất liệu tổng hợp khác trong mảng hội họa, có thể nhận thấy sự đa dạng về nội dung cùng với những tìm tòi, khám phá trong kỹ thuật tạo hình.

Ở mảng đồ họa, nhiều tác giả đã có những tìm tòi, tích hợp những kỹ thuật in độc bản trên nhiều vật liệu khác nhau như gỗ, vải, giấy và mica. Có thể điểm tên những tác giả điển hình như Trần Thanh Lương (Đắc Lắc), Trầm Thị Trạch Oanh, Trần Công Thiệm (Quảng Nam), Phan Thanh Hải, Trần Thị Cúc (Đà Nẵng), Vũ Văn Tiếng (Gia Lai), Võ Tĩnh (Phú Yên), Lê Duy Hồng (Bình Định). Điểm mạnh của đồ họa trong triển lãm lần này là sự dung hòa giữa đồ họa truyền thống và đồ họa hiện đại. Tuy nhiên, một số tác giả mới bước chân vào lĩnh vực đồ họa, chưa thực sự hiểu sâu kỹ thuật này nên đôi lúc nhầm lẫn giữa khắc gỗ mộc bản và đồ họa độc bản, làm ảnh hưởng đến kỹ thuật khai thác chất liệu. Đặc biệt, một số tác giả còn dùng carton mỏng, chất lượng kém, vặn vẹo, méo mó để khai thác kỹ thuật này, làm nhòa đi giá trị thực của nó.

Đồ họa ứng dụng tại Triển lãm này chưa thực sự nổi bật với sự góp mặt của một số ít ỏi các bìa tập san, nội san, đã vậy còn mang tính tuyên truyền, cổ động. Sự phối hợp mảng chữ và hình trong nhiều tác phẩm thiếu hài hòa dẫn đến tình trạng rời rạc trong bố cục. Nội dung còn mang tính dàn trải, kể lể, thiếu sự cô đọng để thể hiện giá trị của một tác phẩm đồ họa ứng dụng. Tại Triển lãm này, tác giả trẻ Trầm Thị Trạch Oanh lần đầu mang tới cơn gió nhẹ trẻ trung của nghệ thuật mix media - một trong những loại hình nghệ thuật đồ họa chuyển tiếp từ nghệ thuật đồ họa giá vẽ sang một loại hình nghệ thuật đồ họa mới với thông điệp phản bác nghệ thuật đồ họa số. Tốt nghiệp đồ họa tạo hình, Oanh đã kể một câu chuyện nghệ thuật về đề tài biển cả qua tác phẩm “Âm vang sóng biển”. Tác giả bộc bạch “Khi hoàng hôn buông xuống, đó là lúc ta cảm nhận được sự ấm áp bình yên một màu nắng nhẹ, sắc đen tím với chiếc bóng của những loài sinh vật di chuyển về nơi trú ngụ, cũng là nơi bắt đầu hành trình cho những giai thoại. Mọi sự vận động dường như yên ả đến lạ thường và chính thời khắc này biển cả hòa trong vẻ đẹp đất trời. “Âm vang sóng biển” như một cuốn sách nghệ thuật ghi lại giai điệu của biển cả lúc hoàng hôn”. Đó cũng là lý do tác giả sử dụng gam màu trầm đen tím của mình để làm nổi bật thông điệp. Tác phẩm là một điểm nhấn mới mẻ trong Triển lãm lần này, tuy nhiên vẫn chưa thực sự mang lại ấn tượng thị giác như mong muốn.

Sơn dầu luôn đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc triển lãm khu vực bởi sự đa dạng về kỹ thuật (mỏng, dày, nhanh, chậm...), lại có đặc tính lâu khô nên các họa sĩ có khá nhiều thời gian để cạo, đắp, tạo chất với mục đích mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, tại Triển lãm lần này tranh sơn dầu có vẻ dễ dãi và sơ sài. Một số họa sĩ vẽ trên khổ lớn nhưng kỹ thuật dùng màu còn non, yếu màu. Một số tác giả thể hiện chất liệu sơn dầu theo lối hiện thực nhưng có lẽ thiếu sự chú trọng về hình, khiến cho tác phẩm trở nên xộc xệch và thiếu sự đồng nhất. Bên cạnh đó, một vài tác giả thể hiện đề tài sen và Phật có phần trùng lặp, có chăng chỉ là sự khác biệt về cảm xúc thẩm mỹ. Trong Triển lãm lần này, nhiều tác giả “lão làng” đã từng đoạt giải vẫn chưa cho công chúng sự thỏa mãn về chất liệu phổ biến này. Một vài tác giả sử dụng công nghệ in tranh trên chất liệu quảng cáo (hiflex) nhưng lại ghi là chất liệu sơn dầu, khiến người thưởng ngoạn cảm thấy khó chịu. Một hạn chế khác là một số tác giả quá bám vào đề tài biển đảo, dẫn đến có những tác phẩm chỉ mang tính thời sự, minh họa, bố cục và cách diễn đạt còn sơ sài, dễ dãi, chưa thực sự thể hiện vai trò của một tác phẩm nghệ thuật... Riêng tác phẩm “Chân dung mẹ Tây Nguyên” của Nguyễn Thị Tú Duyên (Kon Tum) thực sự nổi bật, thực sự mang lại cho người xem sự thăng hoa về cảm xúc nhờ điêu luyện trong kỹ thuật, sự tương phản về hình mảng và nóng lạnh trong thể hiện tác phẩm.

Sơn mài, một chất liệu truyền thống thường được các họa sĩ thể hiện tại nhiều cuộc triển lãm với nhiều nội dung khác nhau. Tại Triển lãm lần này, phần lớn các tác giả đã sử dụng bố cục, gam màu và kỹ thuật rất sơn ta trong tranh phong cảnh, biểu hiện hoặc bán trừu tượng. Tuy nhiên, một vài tác giả tỏ ra dễ dãi trong việc thể hiện cái gọi là sơn mài hiện đại (vẽ không mài hoặc sử dụng cánh gián trộn dầu trẩu để phủ mặt) tạo nên sự bóng loáng khó chịu. Có những tác phẩm cho người xem một cái nhìn “cực kỳ hiện đại” vì người thưởng ngoạn không thể nhận biết đó là tranh sơn mài.

Chất liệu tổng hợp được khai thác nhiều trong Triển lãm này với nhiều đề tài khác nhau; các tác giả đắp, cạo với nhiều lớp màu chồng chéo, đan xen, tạo nên sự phong phú về chất liệu trong ngôn ngữ tạo hình. Tuy nhiên, suy xét kỹ, chất liệu này cũng chính là sự giao thoa giữa sơn dầu và acrylic. Rất khó để tìm được sự nổi bật đặc trưng của nó, nhưng khách tham quan triển lãm có thể được mãn nhãn với tác phẩm “Mùa khôcủa Trần Hữu Dương (Quảng Nam).

Tranh lụa trong Triển lãm lần này chỉ có 2 tác phẩm với kích thước lớn, thể hiện sự chăm chuốt về hình mảng và màu trong việc xây dựng bố cục. Đề tài trong tranh đậm chất trữ tình và rất thơ của tranh lụa. Tuy nhiên về mặt phong cách thì nó không thể hiện được bản sắc của tranh lụa Việt Nam mà đậm chất tạo hình của Nhật Bản.

Với nghệ thuật điêu khắc, nhiều tác giả tìm tòi những cách tạo hình đa dạng như các tác phẩm “Tương tác” của Lê Trọng Nghĩa (Bình Định), “Trong ngưỡng cửa” của Bùi Nam (Quảng Ngãi) và “Địa đạo” của Trần Đức (Quảng Nam). Tác giả trẻ Nguyễn Văn Huy (Quảng Nam) mặc dù không thực sự mới về kỹ thuật và chất liệu, lại gây bất ngờ với nhóm tượng của mình ở cách nhìn về khía cạnh đời thường trong đời sống xã hội thời công nghệ số. Một đề tài không lạ nhưng tác giả đã gửi vào đó một cách thể hiện khác hẳn với những tác phẩm điêu khắc khác trong không gian Triển lãm lần này; sự thay đổi chiều hướng của các nhân vật cho người xem những suy nghĩ khác. Đó là những hình ảnh mà hiện nay chúng ta thường bắt gặp ở mọi nơi, từ già đến trẻ, từ nông thôn đến thành thị,... được tác giả đặt tên là “Hiệu ứng cúi”.

Ở mảng phù điêu với chất liệu gò nhôm, tác giả Kiều Nhật San (Quảng Nam) tỏ ra khá điêu luyện về kỹ thuật tạo hình, sự nông sâu của các mảng gò lồi lõm và tạo màu qua tác phẩm “Tích”. Tác giả mang đến một đề tài quen thuộc nhưng rất hiện đại và phóng khoáng trong kỹ thuật tạo hình. Hình tượng được tác giả cách điệu đến mức cao nhất để người xem được tự do phát huy trí tưởng tượng và hình dung về những gì mà họ nhìn thấy được. Đặc biệt hơn nữa là việc sử dụng màu trong phù điêu, điều mà ít nhà điêu khắc khai thác trong Triển lãm này... Bên cạnh sự nổi bật của mảng phù điêu bằng gò nhôm, gò đồng còn có cả phù điêu gỗ mảng lớn, như tác phẩm “Chợ phố” của Nguyễn Quang (Đà Nẵng). Tác giả khai thác khá thành công tính chân thực, sự mộc mạc, chất dân gian trong ngôn ngữ tạo hình.

Là đơn vị đăng cai Triển lãm khu vực, Quảng Nam tham gia với 32 tác giả/ 34 tác phẩm và đoạt được một giải A (“Hiệu ứng cúi” của Nguyễn Văn Huy), một giải khuyến khích (“Đất mặn đồng chua” của Trần Văn Binh) và 4 tác phẩm được giới thiệu dự giải Liên hiệp (“Ngày hội”, gò đồng của Dương Đức Lin; “Âm vang sóng biển”, mix media của Trầm Thị Trạch Oanh; “Ước mơ”, tổng hợp của Phạm Khắc Hiệu; “Tích”, gò nhôm của Kiều Nhật San). Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ đã thực sự khẳng định được mình qua các chất liệu như điêu khắc, đồ họa, sơn mài, sơn dầu, tổng hợp, acrylic, sắp đặt và mix media.

Trong lần triển lãm này, các tác giả mỹ thuật Quảng Nam đã thực sự cùng nhau tạo nên những bố cục, màu sắc mới lạ và sự đa dạng về nội dung đề tài trong cả hội họa, điêu khắc và sắp đặt. So với những năm trước đây, Triển lãm khu vực V lần này có sự đột phá về bố cục tạo hình nhưng lại tỏ ra cũ kỹ và mỏng hơn về mặt chất liệu. Ở điểm này, tỉnh Quảng Nam cũng không ngoại lệ. Mặt khác nghệ thuật là vô cùng, mọi sự so sánh đều khập khiễng, tình cảm thẩm mỹ là sự tự do trải lòng trước vẻ tĩnh lặng của nghệ thuật thị giác. Hy vọng rằng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực V lần thứ XXI tại Quảng Ngãi vào năm 2016, các tác giả trong khu vực nói chung và của Quảng Nam nói riêng sẽ mang đến nhiều sáng tạo mới hơn, lạ hơn, táo bạo và đẹp hơn để cùng nhau dựng tạo nên bản giao hưởng giàu hình tượng và phong phú về màu sắc.

V.N.D

Quay về
VĂN
GIẾNG XƯA
DUYÊN PHẬN
LƯỚT TRÊN SÔNG NƯỚC TRÀNG AN...
BỘT CHIÊN THƯƠNG MẾN
VỀ NAM GIANG
THƠ
THÁP MƯA THỜI GIAN TRÔI
MƯA ĐÊM HỘI AN
NƠI NÀO ĐÓ VÀ NHỮNG NGÀY MƯA
LỤC BÁT BỐN CÂU
THƠ CỦA TUỔI 60
CHUÔNG LÒNG
VIẾT CHO NGÀY TRỞ VỀ
NHƯ THỂ...
VỀ QUA XÓM CŨ
VIẾT Ở CỘT MỐC 717 VIỆT-LÀO
LỜI GIÓ
RỒI TA SẼ GẶP...
ANH THÈM HÓA ĐÁ BÊN CHÂN THÁC
NAM GIANG KHÁT
THẠNH MỸ
THƠ TÌNH GỞI NAM GIANG
BIÊN GIỚI TÌNH TÔI
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
SỰ CHÂN THẬT
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
SÂN CHƠI MỸ THUẬT KHU VỰC - NHỮNG "DẤU ẤN"
TẤC LÒNG QUÊ CỦA NGUYỄN DU - TỪ GÓC NHÌN ĐIỂN CỐ
CÁCH TÂN NGÔN TỪ VỀ VĂN BẢN TRONG THƠ MỚI
GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC
LỰC LƯỢNG PHÊ BÌNH TRẺ: GIỚI HẠN VÀ KHẢ THỂ