|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: HAI PHƯƠNG DIỆN CON NGƯỜI TỪ HẢI
Tác giả: Phạm Tuấn Vũ - Nguyễn Thị Hương Lài


Viết về hai nhân vật trung tâm của Truyện Kiều, GS. Nguyễn Lộc có một nhận xét rất xác đáng: “Thúy Kiều và Từ Hải không những là hai nhân vật chính diện trung tâm, mà về một phương diện nào đó, cũng là hai mặt của một quan niệm về cuộc sống: Thúy Kiều là bản thân cuộc sống, và Từ Hải là ước mơ về cuộc sống. Bản thân cuộc sống là hiện thực; còn ước mơ về cuộc sống là lãng mạn, cho nên hình ảnh Từ Hải căn bản là lãng mạn” (Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX), tái bản lần thứ 5, Nxb Giáo dục, H., tr. 358). Có thể nói, Từ Hải là một trong những nhân vật đẹp nhất mà Nguyễn Du đã dụng công xây dựng trong kiệt tác của mình. Đồng thời, cùng với Thúy Kiều, Hoạn Thư, Thúc Sinh... nhân vật này còn cho thấy ở tác giả nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình với cái nhìn sâu sắc, tinh tế về tính cách nhân vật thông qua hai phương diện trong con người Từ Hải.

Con người phi thường Từ Hải

Trong cuộc đối thoại với Hồ Tôn Hiến sau khi chồng mình ra hàng và mắc mưu dẫn đến họa diệt thân, Thúy Kiều khẳng định: “Rằng: Từ là đấng anh hùng/ Dọc ngang trời rộng, vẫy vùng bể khơi”. Chính họ Hồ cũng phải thừa nhận: “Biết Từ là đấng anh hùng”. Từ Hải là một bậc anh hùng “đội trời đạp đất giữa đời”, đó là điều không cần bàn cãi. Bởi từ khi xuất hiện cho đến lúc kết thúc vai trò của mình, trong một dung lượng tác phẩm không nhiều (từ câu 2165 đến câu 2536, trong đó có nhiều đoạn không viết về Từ Hải), nhân vật này đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt. Phẩm chất của người anh hùng gắn liền với những việc phi thường. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dành nhiều ưu ái khi xây dựng Từ Hải thành một nhân vật anh hùng toàn diện với vẻ đẹp đậm chất lãng mạn.

Từ Hải là con người phi thường trong mọi phương diện, từ lai lịch xuất thân (Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi; Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông), ngoại hình (Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng thân mười thước cao) cho đến tài năng (Đường đường một đấng anh hào/ Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài; Hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh; Đại vương tên Hải, họ Từ/ Đánh quen trăm trận sức dư muôn người), bản lĩnh (Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà; Trong tay muôn vạn tinh binh/ Kéo về đóng chật một thành Lâm Tri), khí phách (Đội trời đạp đất ở đời; Phong trần mài một lưỡi gươm/ Những phường giá áo túi cơm sá gì), tính cách (Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai)...

Tình yêu của Từ Hải cũng hết sức phi thường. Từ tìm đến Thúy Kiều trong một tư thế ngang tàng, ngạo nghễ (Một đời được mấy anh hùng/ Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi) nhưng ngay trong lần đầu gặp mặt đã thấy “ý hợp tâm đầu” và lập tức “ngỏ lời nói với băng nhân” để “tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn”, chuộc Kiều về làm vợ (khác với Thúc Sinh phải sau nhiều lần đi lại “ngày xuân lắm lúc đi về với xuân”). Tình yêu ấy cũng đặc biệt ở chỗ, khác với họ Thúc “trước còn trăng gió sau ra đá vàng”, đến với Kiều trước hết là để thỏa mãn nhu cầu thể xác, sau bao lần “miệt mài trong cuộc truy hoan” mới nảy sinh tình cảm, Từ Hải tìm đến Kiều nhi là để tìm tri âm và ngay trong buổi đầu gặp gỡ đã xem Kiều là tri kỉ (Nghe lời vừa ý gật đầu/ Cười rằng: Tri kỉ trước sau mấy người; Một lời đã biết đến ta/ Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau), bởi nàng Kiều đã có “con mắt tinh đời”, nhận ra được phẩm chất anh hùng của Từ trong thuở hàn vi (Anh hùng đoán giữa trần ai mới già). Tình yêu phi thường ấy còn thể hiện ở chi tiết đang khi hai vợ chồng “nửa năm hương lửa đương nồng”, chỉ cần một “thoắt” “động lòng bốn phương” thì người trượng phu cũng có thể “nói lời dứt áo ra đi”, “thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” mà không để điều gì vướng bận. Từ là người có thể làm được những việc kinh thiên động địa không ai dám làm và cũng có thể rũ bỏ những điều tốt đẹp, hạnh phúc mà không ai dám bỏ.

Những điều Từ Hải làm được cho vợ mình cũng phi thường. Trong ba người đàn ông yêu Kiều, mỗi người đều làm được cho Kiều nhiều việc khác nhau nhưng chỉ có Từ Hải mới làm được những việc hơn người mà hai chàng Kim, Thúc không thể làm được. Đó là giúp Kiều thoát khỏi lầu xanh, vĩnh viễn chấm dứt những tháng ngày đen tối trong chốn thanh lâu và đưa Kiều từ địa vị kĩ nữ thấp hèn dưới đáy bị người đời khinh khi lên vị trí cao nhất của người nắm giữ cán cân công lí, thi hành lẽ phải ở đời trong màn báo oán báo ân.

Thậm chí Từ Hải lúc chết cũng phi thường. Đó là cái chết đứng bi tráng mà lẫm liệt: “Khí thiêng khi đã về thần/ Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng/ Trơ như đá, vững như đồng/ Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời”, chỉ có duy nhất nàng Kiều mới có thể hóa giải oan khí: “Lạ thay oan khí tương triền/ Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra”.

Có thể nói, Từ Hải là hiện thân cho ước mơ tự do của tác giả, là hình mẫu lí tưởng về một người anh hùng tuyệt đẹp mà Nguyễn Du từng theo đuổi trong thời trai trẻ khi mộng thư kiếm còn sôi nổi (Yêu gian trường kiếm quải thanh phong - Lưng đeo kiếm dài trước gió mát - Ký hữu) đồng thời dường như cũng là nơi gởi gắm nhiều tâm sự của thi nhân khi “trải qua một cuộc bể dâu”, mộng yên hồ hiệp khách tan tành “thư kiếm vô thành sinh kế xúc” (Mộng thư kiếm không thành mà sinh kế thì túng quẫn - Tự thán 2). Đây là nhân vật anh hùng được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn hóa, gắn liền với những điều xuất chúng phi thường, một trong những hình tượng nhân vật đẹp nhất trong Truyện Kiều.

Con người đời thường Từ Hải

Bên cạnh những phẩm chất phi thường của một đấng anh hùng, Từ Hải cũng có những nét tính cách rất đỗi đời thường của một người yêu, người chồng. Khi nghĩ về “đại vương họ Hải tên Từ”, người ta vẫn nghĩ đến một nhân vật đặc biệt với những điều vượt lên trên người đời, bởi bóng dáng con người phi thường Từ Hải quá lớn, nó phủ trùm lên gần như tất cả những câu thơ viết về nhân vật này. Thế nhưng, một tác phẩm xuất sắc bao giờ cũng ẩn chứa một tiềm năng đa nghĩa lớn và một hình tượng nhân vật thành công thường mang tính đa diện với nhiều gương mặt tính cách, con người khác nhau mà độc giả ở những hoàn cảnh tiếp nhận không giống nhau có thể tìm ra được. Từ Hải là một hình tượng thành công của kiệt tác Truyện Kiều, bởi dưới bàn tay của bậc thầy xây dựng nhân vật Nguyễn Du, bên cạnh những phẩm chất anh hùng phi thường, nhân vật này còn có những nét tính cách đời thường. Dĩ nhiên, phương diện con người này không tiêu biểu và không xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm, người đọc tinh ý mới có thể nhận ra.

Trước hết, Từ Hải cũng có những xúc cảm hết sức đời thường của một người đàn ông. Đó là những rung động xác thịt trước một người phụ nữ xinh đẹp “Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều/ Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi Kiều là trang tuyệt thế giai nhân, một đóa “hải đường mơn mởn cành tơ”, lại nổi tiếng “thông minh vốn sẵn tính trời”, tài năng “pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”. Đứng trước một người con gái tài sắc vẹn toàn, xúc cảm muốn chinh phục, được sở hữu là chuyện thường tình. Từ Hải là đấng anh hùng, nhưng cũng là một trang nam tử, cũng không nằm ngoài quy luật này. Đành rằng, Từ tìm đến Thúy Kiều là đi tìm tri kỉ và ngay từ phút đầu gặp gỡ, qua vài dòng trò chuyện đã xem Kiều là tri âm (Một lời đã biết đến ta/ Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau), nhưng rõ ràng, những xúc cảm nhục thể không phải là không có ở người anh hùng “đội trời đạp đất ở đời” này. “Anh hùng nan quá mĩ nhân quan” (Anh hùng khó qua ải mĩ nhân), câu thành ngữ cổ này đúng với Từ Hải, ít ra cũng trong hoàn cảnh lần đầu tiên gặp Kiều. Nguyễn Du không nói nhiều, nhưng chỉ một chữ “xiêu” tài tình thôi cũng đủ nói lên tất cả. Đó là cái “xiêu” không giống ai của một người quen làm những việc phi thường, không phải “xiêu lòng” mà là “xiêu anh hùng”. Nó khác với cái “xiêu xiêu” bình thường đầy nhục cảm của Kim Trọng trong buổi thề nguyền (Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi). Rõ ràng, Từ Hải có những cảm xúc đời thường nhưng lại được thể hiện ra một cách đặc biệt, thoáng qua mà dứt khoát, mạnh mẽ, bởi nó là xúc cảm của một kẻ anh hùng.

Từ Hải còn là người trọng tình cảm, sống thiên về cảm tính. Thường thì, người anh hùng thường phải lạnh lùng, ít nói và hành động phải quyết đoán, không để tình cảm chi phối. Thế nhưng anh hùng họ Từ lại có phần ngẫu hứng, cảm tính khi vừa gặp đã xem Kiều là tri kỉ bấy lâu đi tìm và chỉ qua vài câu trò chuyện đã quyết định chuộc nàng làm vợ mà không hề bận tâm về lai lịch, quá khứ của nàng. Từ sống tình cảm, đặc biệt yêu chiều vợ, có thể vì vợ mà làm mọi việc. Việc Từ ra hàng Hồ Tôn Hiến cũng là chiều theo lời vợ đó thôi.

Trong màn Kiều báo ân báo oán, có một chi tiết quan trọng nói lên được bản chất con người Từ Hải. Đó là sau khi giao toàn quyền cho vợ làm chủ công đường (Từ rằng: Ân oán đôi bên/ Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh), Kiều được “trộm nhờ sấm sét ra tay” mà ân oán đã báo đền thỏa dạ, “tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi”, lúc này chính Từ Hải là người đã nghĩ đến việc giúp Kiều đoàn tụ với gia đình sau bao nhiêu năm “góc biển chân trời/ nắng mưa thui thủi quê người một thân”. Đó là những lời nói chu đáo, cảm động nhất mà trong ba người yêu, chỉ mình Từ công mới nói được: “Xót nàng còn chút song thân/ Bấy lâu kẻ Việt, người Tần cách xa/ Sao cho muôn dặm một nhà/ Cho người thấy mặt là ta cam lòng”. Là một người không có xuất thân gia cảnh (trong “hồ sơ lí lịch” của Từ không có “mục” gia đình) nhưng hiểu được “tấc lòng cố quốc tha hương” của Kiều, nghĩ đến được việc đoàn tụ một nhà cho vợ, hay có lẽ vì bao nhiêu năm một mình biên thùy rong ruổi, tứ cố vô thân, cũng có lúc Từ chạnh lòng đến tình cảm gia đình? Dù thế nào đi nữa, bên cạnh một Từ Hải oai hùng lẫm liệt, vẫn dễ nhận ra một Từ Hải giàu tình cảm, dễ động lòng trắc ẩn, một phẩm chất đáng quý biết bao.

Về quyết định ra hàng và cái chết của họ Từ, đến nay vẫn còn nhiều bàn cãi. Nhiều người cho rằng việc nghe theo Kiều ra hàng Hồ Tôn Hiến của Từ Hải là một quyết định sai lầm dẫn đến họa diệt thân. Ý kiến này có thể chấp nhận nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Xét về nguyên nhân lịch sử, cái chết của Từ Hải là điều mang tính tất yếu. Xét trong văn cảnh, không phải cái chết đó là do Từ Hải hồ đồ mà chuốc lấy. Từ Hải là một bậc anh hùng nhưng không phải là thánh nhân, họ Từ cũng là một con người với những ưu những khuyết, dầu rằng những khuyết điểm ấy rất hiếm hoi và được Nguyễn Du ưu ái cố tình lờ đi. Trước hết, Từ Hải đã không tỏ ra quyết đoán trong quyết định của mình, chính sự do dự đã tạo điều kiện cho ý nghĩ ra hàng thắng thế. Trong lúc độc thoại với bản thân giữa hai ngã đường (Một tay gây dựng cơ đồ/ Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành/ Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu), dù rằng đã có suy nghĩ đúng đắn (Áo xiêm ràng buộc lấy nhau/ Vào luồn ra cúi công hầu mà chi/ Sao bằng riêng một biên thùy/ Sức này nào đã làm gì được nhau) nhưng thay vì giữ vững quan niệm của mình, Từ đã không kiên định lập trường, đó là cơ hội cho để những lời của Kiều có thể tác động và làm thay đổi quyết định.

Nhưng sai lầm lớn nhất của họ Từ là quá tin theo vợ. Trong trường hợp này ta không thể trách Thúy Kiều vì chính nàng cũng là nạn nhân bị lừa. Đáng trách là ở Từ Hải, một người trước đó vừa có những suy nghĩ rất bản lĩnh, cứng cỏi thì chỉ sau mấy lời của Kiều (nghe lời nàng nói mặn mà) đã dễ dàng thay đổi quyết định, từ thế chủ động tấn công đột ngột chuyển sang đầu hàng (Thế công Từ mới trở ra thế hàng) để rồi mắc mưu gian của Hồ Tôn Hiến. Cả Thúy Kiều lẫn Từ Hải đều là nạn nhân của thủ đoạn mà Hồ Tôn Hiến bày ra, là nạn nhân của cuộc đời, của số phận. Chỉ thấy cảm thương mà không thể trách Từ Hải được, bởi trước khi là anh hùng Từ cũng là một con người rất đỗi đời thường, bên cạnh vai trò một đại vương, Từ còn là một người chồng rất yêu vợ. Có thể đánh đổi mọi thứ, thậm chí tính mạng vì vợ như “đại vương tên Hải, họ Từ”, đâu phải người chồng nào cũng có thể làm được.

Sự thống nhất giữa hai phương diện con người Từ Hải

Dù tác giả đôi lúc như lờ đi những phương diện đời thường trong con người Từ Hải để hình tượng nhân vật được toàn bích nhưng không thể phủ nhận một điều là, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã cố tình xây dựng những khía cạnh rất đỗi đời thường của người anh hùng Từ Hải (như xúc cảm trước phụ nữ đẹp, sống cảm tính, thiên về tình cảm, tính cách có phần do dự, nhiều lúc thiếu sáng suốt...). Nói cách khác, không vì yêu quý nhân vật của mình mà nhà thơ bỏ qua những phương diện này. Bởi thiên tài Nguyễn Du hiểu rằng, cuộc sống vốn không hề đơn giản, thế giới trong mỗi con người lại càng phức tạp. Tính cách con người không bao giờ là cái gì đó cứng nhắc, một chiều. Bên trong một con người còn có bao nhiêu con người khác, chẳng ai luôn là anh hùng, cũng chẳng ai mãi là tục tử. Thúy Kiều, Từ Hải, Thúc Sinh, Hoạn Thư... là những nhân vật tiêu biểu cho điều này.

Đúng như GS. Lê Đình Kỵ nhận định, có một chủ nghĩa hiện thực trong Truyện Kiều, nó không chỉ được thể hiện qua hiện thực cuộc sống được tái hiện trong tác phẩm, nó còn là quan niệm nghệ thuật về con người, những phương diện trong tính cách nhân vật mà Nguyễn Du đã tiến rất gần đến chủ nghĩa hiện thực của thời hiện đại. Xây dựng hình tượng Từ Hải, Nguyễn Du mạnh dạn tăng cường chất hiện thực bên cạnh bút pháp lãng mạn vốn là chủ đạo, dĩ nhiên nó không đậm như trong bút pháp xây dựng nhân vật Thúy Kiều, Hoạn Thư... và chủ ý nghệ thuật của nhà thơ đã được ẩn kín không phải ai cũng nhận ra. Bên cạnh một Từ Hải anh hùng cái thế còn có một Từ Hải như bao người thường; bên cạnh những phẩm chất phi thường hơn người, Từ Hải còn có những nét tính cách đời thường như bao kẻ khác. Không phải vì điều này mà hình tượng người anh hùng Từ Hải bị lu mờ, ngược lại, chính những phương diện đời thường ấy lại thống nhất, bổ sung cho phương diện phi thường, hoàn thiện tính cách nhân vật trong tính trọn vẹn, đưa tầm vóc anh hùng của nhân vật lên cao. Cũng qua những phương diện đời thường ấy mà hình tượng người anh hùng trở nên chân thực, sinh động hơn và dĩ nhiên, đẹp đẽ hơn, đậm chất nhân văn hơn. Không vì những phương diện đời thường trên mà người ta thấy thất vọng về hình tượng, trái lại, độc giả sẽ yêu quý, thông cảm, được thuyết phục và thỏa mãn thị hiếu thẩm mĩ hơn. Sức sống của hình tượng người anh hùng vì thế cũng sẽ lâu bền hơn trong lòng người đọc.

Vượt qua hạn chế của những tác giả truyện thơ Nôm cùng thời, Nguyễn Du đã chứng tỏ được bản lĩnh bậc thầy của mình trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Bằng cái nhìn sâu sắc, tinh tế về cuộc sống và một tài năng thiên bẩm về nghệ thuật, Nguyễn Du đã xây dựng thành công nhiều hình tượng nhân vật đa diện để lại ấn tượng sâu đậm và có sức sống lâu bền. Từ Hải là một nhân vật tiêu biểu cho điều này.

P.T.V - N.T.H.L


Quay về
VĂN
NỢ DUYÊN
CÔ GIÁO NHƯ EM
CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
ĐA ĐOAN DUYÊN NỢ
THƠ
EM NHỚ CHO...
NGÔI NHÀ TRÁI ĐẤT
BỨC TƯỢNG VŨ NỮ
LÀ EM
GIỌT MƯA ĐÊM
CỘT
GIẤC MƠ
MÙA XƯA ĐÂU NỮA?
RU ĐỜI
CÁNH ĐỒNG LÀNG
KHOẢNG CÁCH + NHÀ BỌC KÍNH
VŨNG TÀU + DẤU THIÊNG
THƠ GỬI NGƯỜI MẮT ĐEN + BAY TRÊN CÁNH SÓNG
KÝ TỰ BIỂN + MẮC NỢ
CON ĐÃ VỀ + KHÔNG ĐỀ
PHÍA BIỂN + THẦN DƯỢC
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
ĐƯỜNG TỚI THIÊN ĐÀNG
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
HAI PHƯƠNG DIỆN CON NGƯỜI TỪ HẢI
PHAN DUY NHÂN, TRÁI TIM NHƯ HẠT GIEO RỒI...
VỀ BÀI CÂU KẾT BÀI THƠ TỐNG BIỆT HÀNH
VĂN HỌC-HỌC VĂN
CƠM TRONG TỤC NGỮ VIỆT NAM