|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: CƠM TRONG TỤC NGỮ VIỆT NAM
Tác giả: Nguyễn Thị Ánh Huyền


Cư dân Việt sinh ra, tồn tại và phát triển cùng với nền văn minh lúa nước. Sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi, trong đó lúa là cây lương thực chủ đạo đã nuôi sống họ và góp phần quan trọng tạo ra nền văn hóa Việt. Chính vì thế cơm được tục ngữ Việt Nam sử dụng như một trong những biểu tượng không thể thay thế trong việc thể hiện nét văn hóa độc đáo cho đời sống vật chất, cách ứng xử và thể hiện những bài học kinh nghiệm quý báu của người Việt từ ngàn xưa cho đến nay.

Tục ngữ dân tộc Mường có câu “Cơm ba bát, áo ba manh, đói chẳng xanh, rét chẳng chết”. Đời sống vật chất của người Việt từ ngàn xưa vốn rất đơn giản và đạm bạc. Bữa ăn của họ chủ yếu là cơm và rau quả. Trang phục giản dị được dệt từ tơ tằm. Đây là những thức ăn và áo quần tối thiểu nhưng cũng đủ giúp họ có cuộc sống no ấm với những sinh hoạt vật chất cần thiết. Tục ngữ của người Kinh cũng đồng quan điểm “Cơm ba bát, tắm mát hôm mai”. Quan niệm về cuộc sống, về hạnh phúc và nhu cầu vật chất của người Việt rất đơn giản, không quá coi trọng và phụ thuộc vào vật chất.

Trên cơ sở quan niệm đơn giản và đời sống vật chất đạm bạc, tục ngữ Việt Nam có câu “Cơm cà là nhà có phúc”. Mặc dù cuộc sống vất vả, điều kiện làm việc luôn gắn liền với nắng cháy mưa giông nhưng người Việt bao giờ cũng sẵn sàng chọn cuộc sống đạm bạc về vật chất để có đời sống tinh thần thư thái, thanh thản. Với điều kiện kinh tế nông nghiệp lạc hậu, rất khó để có được đời sống vật chất giàu sang “Cơm bạc đũa ngà”. Người dân lao động nghèo trong xã hội xưa ca ngợi cuộc sống thanh bần, đạm bạc “Cơm rau, nước vối, dễ tiêu lại lành”.

Bên cạnh việc dùng hình tượng cơm để thể hiện quan điểm của mình về đời sống vật chất và tinh thần, cơm còn thể hiện cách ứng xử của người Việt. Để giữ cho mối quan hệ với những người đang sống quanh ta, nhất là đối với mối quan hệ vợ chồng được yên ấm, hòa thuận, tục ngữ có câu: “Cơm sôi nhỏ lửa mấy đời cơm khê”.

Nếu không giữ được tình cảm thì con người khó có thể sống được với nhau. Tình cảm là chất keo giúp con người gắn bó với nhau. Chính vì vậy “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, chín đụn mười con cũng lìa”. Để giữ cho tình cảm vợ chồng được hòa thuận, mặn nồng phải biết thương yêu, nhường nhịn, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Đúng như câu tục ngữ “Cơm sôi nhỏ lửa thì ngon”, ngược lại “Cháo sôi to lửa thì còn nồi không”. Cơm còn được dùng để thể hiện cách đối xử của chủ đối với người làm thuê: “Cơm thừa canh cặn” là món ăn của kẻ tôi tớ phải sống trong cảnh cực khổ, nhục nhã. Thể hiện sự đối xử tệ bạc với người làm thuê, tục ngữ còn có câu: “Cơm đã tới mồm, giật không cho ăn”. Ngược lại, “Cơm cả rá, cá cả nồi” lại muốn thể hiện sự no đủ và thái độ thật tình, cảm thông với người lao động.

Hình tượng cơm được dùng để thể hiện những đúc kết kinh nghiệm trong mọi mặt đời sống con người và xã hội. Trước hết là kinh nghiệm về cách giữ gìn sức khỏe: “Cơm ăn đúng bữa, chữa bệnh kịp thời”. Để có sức khỏe tốt thì ăn uống phải điều độ, đúng giờ giấc, khi đau ốm thì phải nghỉ ngơi, có bệnh tật thì phải chạy chữa kịp thời, đừng để đến lúc quá nặng không thể cứu chữa được. Khi không còn ăn uống được như bình thường là dấu hiệu của sự giảm sút trầm trọng về sức khỏe: “Cơm cháo chẳng ăn, mạnh gì thầy”. Khi đau ốm phải cố gắng ăn uống chứ không thể dựa vào thầy thuốc, dựa vào thuốc mà có thể bình phục được. “Cơm no thì chớ gội đầu, đói thì chớ có tắm lâu tật nguyền”. Đây là kinh nghiệm được đúc kết từ việc tắm gội để khỏi đau ốm, bệnh tật. Khi mới ăn cơm no thì không nên gội đầu ngược lại khi bụng đói thì không được tắm lâu vì lúc này dễ gây ra cảm lạnh, trúng gió rất nguy hiểm đối với sức khỏe và có thể dẫn đến thiệt hại cả tính mạng.

Gắn liền với cơm là cách ăn uống, cách xử sự với miếng ăn “Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi”. Thông qua miếng ăn, người xưa muốn gửi gắm đến người đọc một đạo lý cao đẹp của người Việt, đó là “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, phải luôn biết ơn, trân trọng những người đã giúp đỡ, đối xử tử tế với mình trong những lúc khó khăn hoạn nạn, đồng thời cũng lên tiếng phê phán “Ăn bừa ăn bãi, ăn hại của trời”. Đây là thói xấu trong ăn uống, không điều độ, lãng phí và có hại cho sức khỏe. Trong cuộc sống cũng cần phải: “Ăn cá bỏ xương, ăn quả bỏ hột” đừng quá tính toán, bần tiện làm xấu đi nhân cách của mình vì “Miếng ăn là miếng nhục” nếu không biết “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

Trong cách sống, cách đối nhân xử thế phải biết người biết ta, phải có đi có lại: “Ăn cái rau, trả cái dưa”, “Bánh ít cho đi, bánh quy về lại” thì mối quan hệ mới bền chặt, tình cảm mới giữ được lâu. Khi làm bất cứ việc gì, nói bất cứ điều gì cũng phải cẩn trọng suy tính trước sau: “Ăn có nhai, nói có nghĩ” đừng nên “Ăn bừa nói bãi”.

Cơm là một hình ảnh bình dị, quen thuộc, gắn liền với đời sống, lao động của người Việt nên nó xuất hiện trong tục ngữ Việt Nam với tần số khá dày. Thông qua đó, người Việt gửi gắm nhiều bài học, kinh nghiệm của mình về cách sống, cách đối nhân xử thế trong đời sống, lao động hằng ngày. Thông qua cơm, những nét văn hóa và truyền thống độc đáo của người Việt cũng được thể hiện một cách mộc mạc, gần gũi, đáng yêu.

N.T.A.H

Quay về
VĂN
NỢ DUYÊN
CÔ GIÁO NHƯ EM
CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
ĐA ĐOAN DUYÊN NỢ
THƠ
EM NHỚ CHO...
NGÔI NHÀ TRÁI ĐẤT
BỨC TƯỢNG VŨ NỮ
LÀ EM
GIỌT MƯA ĐÊM
CỘT
GIẤC MƠ
MÙA XƯA ĐÂU NỮA?
RU ĐỜI
CÁNH ĐỒNG LÀNG
KHOẢNG CÁCH + NHÀ BỌC KÍNH
VŨNG TÀU + DẤU THIÊNG
THƠ GỬI NGƯỜI MẮT ĐEN + BAY TRÊN CÁNH SÓNG
KÝ TỰ BIỂN + MẮC NỢ
CON ĐÃ VỀ + KHÔNG ĐỀ
PHÍA BIỂN + THẦN DƯỢC
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
ĐƯỜNG TỚI THIÊN ĐÀNG
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
HAI PHƯƠNG DIỆN CON NGƯỜI TỪ HẢI
PHAN DUY NHÂN, TRÁI TIM NHƯ HẠT GIEO RỒI...
VỀ BÀI CÂU KẾT BÀI THƠ TỐNG BIỆT HÀNH
VĂN HỌC-HỌC VĂN
CƠM TRONG TỤC NGỮ VIỆT NAM