|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: THÔN NỮ DÂU TẰM
Tác giả: Tiêu Đình

Truyện ngắn


1.

Tiết trời cuối xuân đầu hạ, thơ mộng và hiền hòa như tranh cổ tích. Gió chưa đủ gọi là gió nên dòng Sài Giang chảy êm như lót nhung lụa. Sóng nước, sóng trăng sáng vàng, xao xuyến gợn nhẹ trong sương đêm. Đoàn thuyền ngoạn cảnh của Chúa khởi phát từ Chiêm trấn gồm bốn chiếc, bơi ngược dòng mà như đang ngái ngủ trong lòng hồ. Thuyền Chúa ngự hình rồng vàng, rèm the. Theo sau là thuyền của công tử Nguyễn Phúc Lan, trẻ trung với màu hồng thắm và đám tùy tùng đang nói cười vui vẻ. Ở cái xứ tàm tang thời bình “cửa thường bỏ ngỏ” này, hai thuyền tả hữu hộ tống dường như chỉ để lấy lệ.

Trăng sắp rằm, đẹp vẻ đẹp thuần khiết của tuổi đang độ lớn. Ánh trăng tưới lung linh bạt ngàn dâu xanh hai bên bờ sông và điểm vào mắt vui mỗi người một chấm sáng long lanh như giọt sương. Đoàn thuyền ghé vào gành Điện Châu. Chúa và công tử lắc lư bước qua những mô đá phẳng phiu được nhuộm vàng đen bóng lá, bóng trăng. Đoàn tùy tùng theo sau, khệ nệ mang nước uống và trái cây đựng trong những đôi bầu còn thơm mùi dầu rái.

- Đây là đâu mà trông như bồng lai tiên cảnh thế này? - Công tử mở lòng hỏi một thổ quan đang trải chiếc chiếu Bàn Thạch trên đá, chuẩn bị buông câu.

- Bẩm công tử, đây là làng Bến Đền nổi tiếng về nuôi tằm dệt lụa.

- Ta có nghe nói, nhưng đây là lần đầu được mục sở thị. Quả là sơn thủy hữu tình. Đất thế này thì người hẳn sẽ tài sắc khó bì.

Mọi người đang say sưa ngắm trời trăng, sông nước và ngút ngàn những nương dâu thì bỗng nghe văng vẳng có tiếng thôn nữ trong veo vọng đến: “Thiếp nghe Chúa ngự thuyền rồng/ Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa...”. Tiếng hát ướt sương đêm, mềm mượt như tơ lụa và vàng tươi ánh trăng tình tứ. Tiếng hát như có ma lực làm mềm nhũn trái tim mới lớn của chàng trai Chiêm trấn. Mọi người đều im lặng hướng mắt về phía phát ra tiếng hát. Đêm như đang nín thở chờ đợi sự ra đời của một tinh cầu lạ.

Công tử xin cha cho phép được dạo quanh nương dâu để xem phong cảnh. Kỳ thực là chàng muốn đi tìm tiếng hát như có ma lực ấy. Không ngờ Chúa cũng bị tiếng hát mê hoặc nên đã sai quan chưởng cơ mang theo mấy vệ quân cùng đi tìm người hát. “Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu/ Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình...”. Vẫn giọng hát nỗi niềm ban nãy, nửa như than thân, nửa như trêu chọc. Men theo con đường trăng lỗ chỗ bóng dâu, chẳng mấy chốc đoàn người phát hiện ra một thôn nữ đang uyển chuyển đôi tay thuần thục bên những lá dâu sáng ướt trăng đêm. Khi mắt vừa chạm mắt thì trái tim của thế tử bỗng run rẩy loạn nhịp. Chàng đứng chết trân trước một nhan sắc mười lăm thông sáng và thánh thiện.

- Bẩm công tử, thiếp là Thị Ngọc, họ Đoàn, con của tham tướng quân Đoàn Công Nhạn. Gia đình nhiều đời sống bằng nghề nuôi tằm dệt lụa nên thiếp đã quá quen với việc hái dâu, ươm tơ vào những đêm trăng sáng như thế này.

“Lời lời châu ngọc” của thôn nữ cũng trong veo, thuần khiết như tiếng hát. Không hiểu sao, ngay từ ánh mắt đầu tiên công tử đã cảm giác rằng đây là một gặp gỡ do duyên tiền định. Để rồi trong đêm ấy và nhiều đêm dài sau đó, hình ảnh cô gái dâu tằm thanh tao cứ chập chờn mãi trong tâm thức của chàng. Trong giấc ngủ, lúc một mình, hay những khi bận rộn việc quân việc học, chàng đều thấy cô gái cười hát bên cạnh mình.

Hai năm sau, cô gái quê lụa tài sắc ấy đã trở thành vợ của Nguyễn Phúc Lan và là Quý Phi duy nhất người Quảng Nam trong phủ Chúa không thông qua con đường tiến cử hay trưng tập nào.

2.

Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đang dự duyệt binh tại Kim Long thì có thư mẹ gọi về Thanh Chiêm. Vốn là người con hiếu thảo, chúa vội thu xếp công việc, tức tốc băng đèo Hải Vân. Chúa rất vui khi nhìn thấy thần sắc mẹ thay đổi hẳn. Từ một Quý Phi suốt ngày vui vẻ giúp dân chăm lo mở mang việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, bỗng gần đây mẹ trở nên ít nói, rồi thình lình lại xin về quê ngoại sinh sống. Vậy mà chỉ mấy tháng ở Chiêm trấn, mẹ đã khỏe ra, tươi tắn nói cười như tuổi đang xuân.

Chúa Hiền quỳ sụp xuống bên mẹ giống như hồi còn nhỏ. Quý Phi đỡ con đứng dậy và hai người vào một phòng kín, lệnh cho người hầu lui ra hết bên ngoài.

- Con ngồi đây với mẹ -Đoàn Quý Phi nói rõ ràng từng lời bằng chất giọng trầm ấm và từ tốn của một đời phụ nữ đã trầm tích quá nhiều buồn vui- Mẹ biết con rất cần thời gian cho những việc quân cơ đại sự của đất nước. Là mẹ, không thể vì tình riêng mà giam chí lớn của con. Dẫu mẹ ở một góc khuất nào, hay thậm chí ngủ yên trong lòng đất thì những trận thủy chiến lẫy lừng vừa qua cũng làm mẹ vui và tự hào về con nhiều lắm. Nay mẹ đã quyết sẽ ở tại đây cho đến cuối đời. “Con tằm đến chết vẫn còn vương tơ!”. Mẹ sinh ra từ nương dâu, chết cũng xin được về với nương dâu và mồ mả ông bà, người thân. Tâm sức còn lại mẹ sẽ dốc hết vào việc phát triển con đường tơ lụa của cha ông. Cả giang sơn Đàng Trong rộng lớn này mà ở đâu nghề nuôi tằm, ươm tơ cũng phát triển như tại quê ngoại của con thì lo gì quốc không thái, dân không an.

Chúa gục đầu vào vai mẹ, im lặng lắng nghe như một đứa trẻ. Bên ngoài, các con đường Chiêm trấn âm thầm những bước chân bí ẩn, nhộn nhịp việc quân, việc mua bán, trao đổi hàng hóa đang chuyển mình dữ dội. Chúa hoàn toàn không hay biết rằng những âm vang xô bồ ấy đã khiến mắt mẹ bỗng dưng chùng xuống, bồn chồn:

- Đời mẹ như thế là đủ rồi. Còn lại việc này là việc của Chúa đây. Làm một minh chúa không dễ. Chúa Thượng và con đã một thời lẫy lừng xông pha Nam, Bắc. Nhưng rồi nội sự vẫn không yên, sắc dục vẫn bị vướng lụy. Những cuộc khởi loạn, mưu phản vì tham vọng và sự đố kỵ, cái chết bất ngờ của chúa Thượng vẫn mãi là bài học mà con phải nhớ đời. Thấy sai mà không sửa là chồng thêm oán, thấy đúng mà không theo là chuốc thêm thù. Nay ngoài bờ cõi đã yên, nhưng trong lòng dân thì thật khó lường. Chỉ một cách lấy nhân trị, đức trị làm gốc thì mới mong tạo được thế bình ổn lâu dài cho xã tắc...

Chúa định khoe với mẹ việc mình vừa dứt bỏ được sự cám dỗ của Thừa Thị thì người hầu gõ cửa phòng, mang thêm nước uống và thư của Tống Thị Toại xin được vấn an Chúa và Quý Phi. Quý Phi im lặng cất thư rồi cho người hầu lui ra.

- Mẹ hiểu và quan dân đều hiểu rằng con là vị chúa biết chăm lo quốc sự, biết trọng hiền tài, không sa vào yến tiệc xa hoa, không lấy công của làm tư lợi, không quá ham mê tửu sắc. Nhưng cách cư xử của con với Thừa Thị vừa qua là không đúng lẽ của một minh chúa đại nhân. Thừa Thị là một con hát tốt bụng, chỉ vì quá đẹp và hát hay mà bị người đời ganh ghét. Mẹ là phụ nữ nên hiểu điều này rõ lắm. Cái đẹp vốn không có tội, con vì một chút đam mê cái đẹp cũng không có tội. Phải biết trân trọng cái đẹp như là vốn quý của đất trời. Vậy thì hà cớ gì con lại sai người giết chết Thừa Thị?

Chúa tái mặt, toàn thân run rẩy. Việc sai chưởng dinh bỏ thuốc độc giết chết Thừa Thị, chúa tưởng chỉ có mình và ông ta biết. Đó là hạ sách của một người không tự thắng được mình trước sự cám dỗ của sắc dục. Chúa biết, nhưng không còn cách nào khác hơn.

Minh họa: VÕ NHƯ DIỆU

- Thưa mẹ, con xin lỗi mẹ... - Chúa ấp úng. Chìm trong mơ hồ khuất sâu nào đó, chúa nghĩ mình hèn hạ và yếu đuối quá. Thực tình, Thừa Thị có một sức quyến rũ đáng sợ. Nàng còn đó thì Chúa chẳng còn tâm sức nào để tập trung lo đại sự.

- Không tự mình rút chân ra khỏi bể lụy thì hãy tự trách mình trước đã. Sao con lại muốn phá vỡ ánh trăng để cứu một con cừu. Như thế chẳng khác nào cố hạ người khác xuống để tự nâng mình lên. Bằng cách đó thì không nên đâu con ạ.

Hình như Chúa đang khóc.

- Thôi, con đứng dậy đi! Hãy giữ bản lĩnh đàn ông trong một vị Chúa. Còn việc này nữa -Hoàng hậu chìa thư của Tống Thị cho Chúa- Con đọc đi! Mẹ không cần đọc vẫn biết y thị muốn gì. Đây mới là vấn đề của vận mệnh nhà Chúa và tương lai xã tắc. Nhan sắc của yêu nữ họ Tống là con dao hai lưỡi, là vỏ bọc của quá nhiều tham vọng về quyền lực và phú quý. Ngày nào Tống Thị còn thở là ngày ấy còn tập trung chỉ mỗi việc mua chuộc, quyến rũ mọi người bằng tiền của và sắc đẹp. Sự nghiệp nhà Chúa chúng ta đã chao đảo đến suýt đổ vào tay Thị, rồi chúa Thượng chết vì mê đắm sắc dục với Thị là bài học mà con phải ghi nhớ để làm người...

Ra khỏi cửa phòng, Chúa còn được mẹ nắm tay nói mấy lời cuối: “Hôm nay là một người mẹ hiền nói chuyện với con trai, không phải một Quý Phi nói chuyện với Chúa đâu đấy. Mẹ đã yên tâm sống chết với quê tằm của mẹ, nhưng chưa thể yên tâm với sự nghiệp nhà Chúa và tâm thế của một đứa con, một vị Chúa Đàng Trong rộng lớn và giàu có. Mẹ vẫn muốn được ở bên con mỗi khi quyết định một sự việc lợi hại cho quốc dân”.

3.

Chúa Hiền ngồi một mình trong thư phòng. Đầu óc trĩu nặng. Tại sao người báo tin Chưởng dinh Nguyễn Phước Trung và Tống Thị Toại mưu phản lại là Thắng Bố, người thân của họ? Sổ “Đồng tâm hướng thuận” ghi danh sách những người trong hội phản Chúa đã nắm trong tay, vậy thì có nên trả thù tương tàn như hồi Chúa Thượng đã làm? Tống Thị đã nhận tội, vậy nên tha hay nên giết?

- Thắng Bố là người hiểu biết, trọng nhân cách, ăn cơm Chúa nhưng không nhắm mắt chịu múa tối ngày -Một hiền thần tâu- Phàm là đấng trượng phu thì chẳng thể thấy việc phải không làm, việc trái không ngăn. Đất nước cần những con người như thế. Chưởng dinh đã là người của thân tộc mà không biết “tề gia” để “trị quốc” là tội đáng chết. Còn Tống Thị thì tội đã rành rành, phải để cho voi giày ngựa xé mới xứng với những gì Thị đã gây họa cho muôn dân. “Công pháp bất vị thân”, xin Chúa hãy vì việc chung mà công tâm và nghiêm minh xét xử. Riêng “sổ đồng tâm” thì nên vì nhân nghĩa mà đốt đi. Xóa bỏ dấu vết hận thù của quá khứ cũng là cách mưu lợi cho tương lai. Huống chi uy danh Chúa đang được kính ngưỡng, lòng người một phút bốc đồng chưa hẳn đã là quy thuận hay phản nghịch.

Nặng nề trong lòng Chúa cũng là nặng nề kéo dài suốt mấy ngày nay trong từng ngả đường của phủ Chúa và nhiều nơi khác. Thắng Bố đang ở chiến trường biên giới nên không kịp về để nhận khen thưởng. Nguyễn Phước Trung được tha nhưng lại chết dần mòn sau đó vì tòa án lương tâm. Sổ “đồng tâm” được đốt trước mặt bá tánh. Tống Thị được tự chọn cho mình cái chết nhẹ nhàng nhất. Tin được loan ra, nhiều người thở phào, một số người tỏ vẻ trầm ngâm.

Luận án xong, chúa Hiền quyết định sẽ về Chiêm dinh thăm mẹ. Chúa cảm thấy nhớ mẹ hơn bao giờ hết. Một đời Chúa tung hoành khắp nơi, nhưng chỉ những lúc được sà vào lòng mẹ, nghe mẹ vuốt tóc tỉ tê mới thật sự có cảm giác yên bình.

T.Đ



Quay về
VĂN
THÔN NỮ DÂU TẰM
TRỞ VỀ...
DUYÊN DÁNG GIÊNG HAI
NGHỀ CẮT KHÓA
SÓNG CỦA BIỂN
THƠ
BÓNG MẸ BÊN TRỜI
MẸ VÀ XUÂN
QUÊ NGOẠI
VÀ HƠI THỞ MẶT TRỜI
KHAI TÂM
VẤN XUÂN
BỖNG NHIÊN HOA SƯA
BỒI HỒI THÁNG GIÊNG
NGƯỜI XA QUÊ CÓ NHỚ LÀNG?...
MƯA THÁNG GIÊNG
ĐỨNG + KẺ TRỘM CHỮ
CHIM HÓT XANH VƯỜN MẸ + CỎ XANH
SẺ NÂU BAY XA + BẦY THIÊN NGA BAY ĐI
TRÔI + NGHĨ VỤN
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
NƠI KHÔNG THỂ QUAY ĐẦU LẠI
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NGƯỜI " VỠ NÚI MỞ ĐƯỜNG" CHO VĂN HỌC NỮ VIỆT NAM
SỰ TƯƠNG ĐỒNG CỦA BỐN BÀI THƠ KHÁNG CHIẾN
TRỊNH SƠN - NGƯỜI VIẾT TRẺ
ĐÒ LÈN, TRÁI CHÍN TỎA HƯƠNG