|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: GHI NHẬN TỪ MỘT TRẠI SÁNG TÁC MỸ THUẬT
Tác giả: Võ Như Diệu


Tiếp sau thành công của Trại sáng tác Mỹ thuật tại xã đảo Tam Hải (Núi Thành) hồi giữa năm 2015, năm nay Chi hội Mỹ thuật lại tiếp tục mở trại sáng tác ở một địa phương khác, trên một phạm vi địa lý rộng hơn hẳn: Huyện miền núi Tiên Phước. Đây là vùng đất từng được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh thơ mộng, hữu tình, có nhiều di tích lịch sử-văn hóa nổi bật, cùng với đó là những con người cần cù, chân phác và thuần hậu. Khi biết mình sẽ được đến nơi này để thăm thú, trải nghiệm và sáng tác, anh em ai nấy đều háo hức, hăm hở.

Sáng 22/4, từng nhóm họa sĩ đèo nhau về với xứ Tiên. Một số anh em họa sĩ ở Hội An quyết định đi theo hướng Việt An qua Tiên Châu vào thị trấn Tiên Kỳ, vừa đi vừa tìm kiếm những góc nhìn lạ để chuẩn bị tác nghiệp. Một số anh em khác chọn hướng từ Tam Kỳ lên theo lộ trình quen thuộc. “Hội quân” tại một quán cà phê nhỏ ngay ngã tư trước phòng Văn hóa Thông tin huyện, anh em họa sĩ hồ hởi tay bắt mặt mừng trong khi nhiều người dân ở đây tỏ ra lạ lẫm, tò mò trước những con người không quen với lỉnh kỉnh xô, chậu, cọ, toan đã căng sẵn... Sau khi đã ổn định nơi ăn ở, ngay chiều hôm đó, đích thân Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - ông Hường Văn Minh, cùng một số vị đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Văn hóa, Trung tâm Văn hóa huyện đã gặp gỡ, chiêu đãi anh em họa sĩ trong một không khí gần gũi, ấm cúng và thân mật. Những câu chuyện kể về các địa danh nổi tiếng như Làng cổ Lộc Yên, Nhà lưu niệm cụ Huỳnh, các thắng cảnh Lò Thung, thác Ồ Ồ và nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội của Tiên Phước đã được những người có trách nhiệm của địa phương cung cấp để các họa sĩ “làm vốn”. Và tất cả đều bắt đầu “lên đường” ngay từ sáng sớm hôm sau...

Với “khúc dạo đầu” rất đẹp ngay trong ngày đầu đến với xứ Tiên, anh em họa sĩ đã nhanh chóng bắt nhịp và hăm hở đi, nhìn, ngẫm và vẽ. Để rồi, tất cả đã góp phần tạo nên một thành quả ngoài mong đợi: Trại chỉ diễn ra trong vòng một tuần (từ ngày 22 đến 28/4) nhưng đã có tới hơn 50 bức ký họa với các chất liệu chì, sáp màu, màu nước, mực nho, bút sắc điểm màu nước, màu bột và gần 20 tác phẩm được vẽ trên toan khổ lớn với các chất liệu acrylic, sơn dầu. Về góc độ chuyên môn, mỗi khi đi thực tế anh em họa sĩ thường vẽ nhanh với các chất liệu phổ thông như chì đen, chì màu, chì sáp hay màu nước, màu bột. Riêng lần này, anh em đã trực họa với các chất liệu cao cấp hơn như acrylic, sơn dầu trên toan với kích thước lớn.

Về cơ bản, chất lượng nghệ thuật của hầu hết các tác phẩm được sáng tác trong đợt trại này ở Tiên Phước là khá tốt; có không ít tác phẩm thuộc một số mảng đề tài trọng tâm có sự nổi bật đáng chú ý. Rõ nhất, sinh động nhất là mảng tranh về phong cảnh và con người Tiên Phước. Trong đó, có thể kể đến các tác phẩm như ký họa chân dung chì của Nguyễn Hữu Thấu về mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Chính ở xã Tiên Sơn; chân dung dũng sĩ Hồ Ngọc Biên ở xã Tiên Lộc. Mảng ký họa chân dung không nhiều, song đáng quý là các họa sĩ đã tả rất đúng cái thần trong chân dung nhân vật, nét bút sinh động, phóng thoáng. Trong khi đó, phong cảnh hữu tình ở làng cổ Lộc Yên, Bàu Chòm, Vực Dài, thác Ồ Ồ, nhà lưu niệm cụ Huỳnh... được thể hiện một cách chân thực mà “lung linh” trong ký họa màu của Nguyễn Danh, Nguyễn Ba, Trương Bách Tường, Võ Như Diệu... Với chất liệu màu nước, các họa sĩ thể hiện được sự sinh động và đậm nhạt của một vùng quê yên bình; chất liệu màu bột tuy không đóng vai trò chủ đạo nhưng một vài anh em cũng diễn tả được sắc màu của vùng đồi đầy nắng, nóng trong veo. Các tiểu cảnh như bãi đá, cầu treo Lò Thung được một số họa sĩ như Văn Binh, Hà Châu, Đoàn Minh Thuần, Việt Thắng, Công Thiệm... thể hiện “như thật” trên toan khổ lớn.

Về cơ bản, trong đợt thực tế sáng tác lần này ở Tiên Phước, nhiều anh em vẽ theo chủ nghĩa hiện thực và khá thành công, như Hà Châu với tác phẩm “Bãi đá Lò Thung”. Trong phong cách hiện đại, có thể kể đến tác phẩm “Cầu treo” của Văn Binh, “Nhà cổ” của Đoàn Minh Thuần. Trong khi đó, Việt Thắng lại pha trộn nghệ thuật của chủ nghĩa ấn tượng trong tác phẩm “Sông Tiên”, với kỹ thuật loang chảy màu tự nhiên - như có pha thêm một chút hội họa Dã thú. Nguyễn Hữu Thấu thì trải xúc cảm thẩm mĩ của mình theo chủ nghĩa đồng hiện bằng bút sắt và thật tỉ mỉ, diễn đạt được thần thái của một vùng quê có dòng sông chảy ngược, thác đèo điệp trùng và những ngôi nhà mấy trăm năm tuổi nằm bình yên sau những con dốc đá.

Thời gian cho đợt thực tế sáng tác ở Tiên Phước không dài, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn nhưng các họa sĩ của Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam đã làm việc hết sức nghiêm túc. So với các đợt thực tế sáng tác ở Tây Giang và Tam Hải trước đây, có thể nói đây là đợt thực tế mang lại kết quả đáng kể nhất với những tác phẩm làm hài lòng người xem.

V.N.D


Quay về
VĂN
NGƯỜI GIEO TRỒNG KÝ ỨC
NẮNG CỦA ẤU THƠ...
DƯỢNG ÚT
MẶT TRỜI VỪA RỤNG
THƠ
LÀNG BIỂN
ĐÊM HÈ
CÁI BÍM TÓC
THỨC
CHẠM
RIÊNG MANG
NGÀY ĐÃ XA
KHOẢNG LẶNG
ĐỈNH SÓNG
HOA CỎ MAY VÀ CHỊ
DẦN TAN
MA TRƯỜNG
NGƯỜI KHÔNG BIẾT NHỚ + VẾT CỨA
PHÍA BÊN KIA + KÝ SỰ VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG
THÌ THÔI... + NHỮNG TRỐNG KHÔNG
EM VÀ LỤC BÁT + KHÁT
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
NHÀ BẾP
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
CHẤT TƯỢNG TRƯNG TRONG NGÔN NGỮ THƠ SAU 1975
GHI NHẬN TỪ MỘT TRẠI SÁNG TÁC MỸ THUẬT
ANH NGUYỄN KHẮC PHỤC, VÀI KỶ NIỆM
VĂN HỌC - HỌC VĂN
BẮT ĐẦU TỪ KẾT THÚC