|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: HÌNH TƯỢNG GIẾNG NƯỚC TRONG CA DAO
Tác giả: Tư Hương


Cùng với cây đa, bến nước, bờ ao, mái đình..., giếng nước là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, gần gũi với đời sống người Việt. Cho nên, hình tượng giếng nước xuất hiện rất sớm trong văn học dân gian nói chung, ca dao nói riêng, không những với số lượng lớn mà còn mang nhiều giá trị độc đáo.

Bộ phận quan trọng chiếm tỉ lệ lớn trong kho tàng ca dao người Việt là ca dao tình yêu. Ca dao tình yêu gắn liền với hình tượng giếng nước có số lượng khá lớn. Ở những vần thơ thiết tha ấy, tình yêu được thể hiện với muôn vàn cung bậc, trạng thái như bản chất tình yêu vốn muôn vẻ, muôn màu.

Đó là “tình yêu sét đánh bên tai” thoáng qua để rồi đêm về bâng khuâng, xao xuyến nơi cô gái được thể hiện một cách sinh động, chân thành mà dí dỏm thông qua hình tượng giếng nước và gàu: Nhớ hôm bên giếng chàng ơi/ Chàng đưa mắt liếc em rơi cái gàu.

Đó là lời “hỏi thăm”, tỏ tình bóng gió mà duyên dáng, ý nhị nhờ mượn hình ảnh giếng nước bên đình để ví von. Lời tỏ tình ấy vì thế thật tự nhiên mà cũng dễ được chấp nhận: Hỡi người gánh nước bên đình/ Còn chăng hay đã trao tình cho ai?.

Hay đó là lời nhắc khéo của cô gái để chàng trai biết cách lấy lòng cha mẹ người yêu. Phương cách mà cô gái mách nước cho chàng trai hết sức thuyết phục, bởi nó được so sánh với hình ảnh mưa-giếng trên cơ sở một quy luật tất yếu mưa lâu-giếng đầy: Năng mưa thì giếng năng đầy/ Anh năng đi lại mẹ thầy năng thương

Trong tình yêu, lời thề nguyền có ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Cho nên buổi thề nguyền bao giờ cũng thật trang trọng, lời thề luôn mang nội dung trang nghiêm và chứng nhân cho lời thề thường là những sự vật, hiện tượng linh thiêng, tồn tại vĩnh hằng như mặt trời, mặt trăng, sông, núi... Trong ca dao tình yêu, hình ảnh chùa, miếu, cây đa, giếng nước vừa gần gũi với đời sống, vừa tồn tại bền lâu lại vừa mang tính tâm linh thường được chọn làm vật chứng giám cho những lời thề: Nguyền cùng trước giếng sau chùa/ Trăm năm giữ vẹn chát chua chẳng nề; Nguyền cùng trước giếng sau chùa/ Không yêu ta cũng bỏ bùa cho yêu. Không chỉ là nhân chứng, giếng nước còn là biểu tượng của lòng chung thủy: Sông kia có cạn còn ao/ Cũng nguyền vét giếng mà trao ân tình.

Tình yêu và hôn nhân không phải lúc nào cũng được như ý muốn. Thể hiện nỗi thất vọng của người con gái đối với chàng trai khi mới bước vào tình yêu, ca dao có câu: Em tưởng nước giếng sâu/ Em nối sợ dây dài/ Ai ngờ nước giếng cạn/ Em tiếc hoài sợi dây. Mượn các hình ảnh ẩn dụ nước giếng sâu, nước giếng cạnsợi dây, tác giả dân gian đã thể hiện thành công tâm trạng thất vọng vì thực tế không được như suy nghĩ và sự tiếc nuối vì chọn nhầm đối tượng (người yêu, người chồng) của nhân vật trữ tình.

Trong xã hội xưa, người phụ nữ chân yếu tay mềm vốn thụ động nên thường bị lệ thuộc, phải chịu nhiều bất công. Trong bộ phận ca dao than thân, hình ảnh giếng nước cũng được dùng để ví với thân phận người phụ nữ xưa: Tiếc thay cái giếng nước trong/ Để cho bèo tấm bèo ong lọt vào; Thân em như giếng giữa đàng/ Kẻ khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Đối lập với vườn hoa là nơi tươi đẹp, giếng nước sâu, tối được người con gái ví với cuộc sống bất hạnh mà mình không có quyền lựa chọn: Thân em như hạt mưa rào/ Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa. Than thở về những chuyện không may mắn hoặc tình thế “nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”, tác giả dân gian mượn hình ảnh giếng nước-vò không để nói thay mình: Phận mình sao khéo rủi ro/ Đã đi tới giếng, quảy vò về không.

Trái lại, có khi giếng nước được ví với nơi hạnh phúc, êm ấm mà người con gái may mắn có được trong đời: May ra gặp được giếng thơi/ Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn. Đôi khi, hình ảnh giếng nước trong mát, thanh khiết cũng được người con gái ví với mình để khẳng định giá trị bản thân trước cộng đồng: Đầu làng có cái giếng trong/ Người khôn rửa mặt, người hiền soi gương.

Không chỉ gắn liền với tình yêu đôi lứa, hình tượng giếng nước trong ca dao còn gắn với tình cảm quê hương, gia đình. Từ bao đời, giếng nước tròn tròn bên gốc đa trở nên thân quen với mỗi người, trở thành hình bóng quê nhà để rồi ai đi xa cũng mong, cũng nhớ: Tròn tròn giếng nước gốc đa/ Ai gần nhớ ít, ai xa nhớ nhiều

Giếng làng được xem là không gian sinh hoạt cộng đồng. Từ giếng nước, qua những lần rửa tay chân, tắm, giặt, gánh nước, người trong làng có dịp được gặp gỡ, hỏi thăm, chuyện trò; trai gái làng có dịp chòng ghẹo, hẹn hò, trao duyên, ngỏ lời. Giếng nước vì thế trở thành tâm điểm gặp gỡ, là một trong những tiêu chí về cuộc sống tốt đẹp trong ước mơ của dân làng: Thứ nhất gần mẹ gần cha/ Thứ nhì gần giếng, thứ ba gần đình. Cũng vì lẽ đó, giếng nước với ý nghĩa là nguồn sống dồi dào được ví với hạnh phúc của đời người con gái: Có chồng gần mẹ gần cha/ Như cây gần giếng sâu mà dưỡng thân.

Bên cạnh nội dung gắn với đời sống tình cảm, lao động, sinh hoạt thường nhật của người Việt, hình ảnh giếng nước còn xuất hiện trong bộ phận ca dao gắn liền với những biến cố lịch sử dân tộc. Trong ca dao kháng chiến chống Mỹ có nhiều bài xuất hiện hình tượng giếng. Mượn hình ảnh giếng nước trong veo, tác giả dân gian khẳng định tấm lòng kiên trung, bất khuất và quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam: Lòng ta như giếng nước trong/ Giặc vào lấn chiếm những mong khuấy bùn/ Giếng nước trong quyết không thể đục/ Giặc Mỹ vào đánh gục chẳng tha/ Quyết tâm bám đất giữ nhà/ Giặc vô tan xác, giặc ra bỏ đầu.

Không chỉ so sánh, tác giả dân gian còn nhân hóa hình ảnh giếng nước để trở thành chủ thể có hành động và tâm lí. Như một chiến sĩ, giếng nước cũng góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với niềm tin chiến thắng và khát vọng hòa bình: Long lanh mặt nước giếng trong/ Giếng trong trận địa ánh nòng pháo soi/ Bắn tan quạ Mỹ trên trời/ Giếng cũng reo cười cái miệng tròn xoe.

Có thể nói, hình ảnh giếng nước xuất hiện khá phổ biến trong ca dao. Với đặc tính nước mát trong, tĩnh lặng lại vừa gần gũi, vừa mang nhiều ý nghĩa tinh thần đối với đời sống người Việt, giếng nước được đưa vào nhiều bài ca dao với những tầng ý nghĩa, sắc thái biểu cảm khác nhau nhưng tựu trung lại, hầu hết đều là những hình tượng đẹp, gắn liền với nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc mà ông bà ta từ ngàn xưa gởi gắm.

Cùng với cây đa, mái chùa, giếng nước là hình ảnh thân quen của làng quê, gần gũi với đời sống người Việt. Đặt trong tổng thể văn hóa làng của người Việt, nếu cây đa, miếu đình là nơi ở của quỷ thần, mái chùa thờ Phật thì giếng nước chính là nguồn gốc của sự sống, là biểu tượng của sự dồi dào sung mãn. Hơn nữa, với các đặc tính trong sạch, tĩnh lặng, gắn liền với sinh hoạt cộng đồng (gánh nước, tắm giặt), giếng nước có một vị trí quan trong trong đời sống tinh thần của người Việt. Chính bởi lẽ đó mà hình tượng giếng nước xuất hiện trong văn học dân gian nói chung, trong ca dao nói riêng không những với số lượng lớn mà còn đa dạng về nghĩa và mang nhiều sắc thái thẩm mĩ độc đáo.

T.H

Quay về
VĂN
BIỂN HÁT
SÁNG ĐẦY HƯƠNG GIỮA MÙA SEN
NHÀ VĂN NGUYỄN CHÍ TRUNG LÝ TƯỞNG, NHÂN CÁCH, SÁNG TẠO
BÉ MỌN
VIỆT AN CỐ SỰ
THƠ
TƯỢNG ĐÀI VĨNH CỬU
GIỌT THỜI GIAN
VIẾT BÊN MỘ NHÀ THƠ NGUYỄN MỸ
CHỊ ƠI!...
THỂ NGHIỆM HÈ
LỜI SÓNG
TIẾNG HÁT THỜI GIAN
BẢN GIAO HƯỞNG MÙA HÈ
NGÔI LÀNG XƯA
HOA BÂNG KHUÂNG
NGÀY ẤY
NHỚ
QUA CHIỀU THẠCH HÃN + XÓM KHÔNG CHỒNG
EM VÀ MÙA HẠ + NGỌN LỬA
GIÓ CŨNG SANG SÔNG + BỀNH BỒNG SƯƠNG MAI
NGẪU HỨNG 3 CÂU + LỜI RU TRÊN SÔNG
VA CHẠM + NẾP NHĂN VĨNH CỬU
LÁ ĐA + CẦN KIỆM MO
CÂU CHUYỆN CỦA LÀNG
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
THƠ VÀ CÁC SINH THÚ KHÁC TRONG TRUYỆN KIỀU
HÌNH TƯỢNG GIẾNG NƯỚC TRONG CA DAO
TRÀ DƯ TỬU HẬU
CÀ KÊ CHUYỆN... CHỬI!
VĂN HỌC - HỌC VĂN
DẰNG DẶC NỖI HOÀI HƯƠNG...