|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: NGHĨ VỀ TRỤC VĂN HÓA THANH CHIÊM - HỘI AN TRONG LỊCH SỬ
Tác giả: Phùng Tấn Đông


Bình sinh, nhà nghiên cứu hát bội-GS Hoàng Châu Ký (1921-2008) đã đề xuất cụm từ “trục văn hóa Thanh Chiêm-Hội An” và sau này là “trục văn hóa Hội An-La Qua” khi suy gẫm về mối quan hệ giữa dinh trấn Thanh Chiêm và thương cảng Hội An vào đầu thế kỷ XVII đến những năm đầu thế kỷ XX nhất là mối quan hệ về văn hóa, lịch sử.

Những điểm tương đồng về địa lý, lịch sử hình thành

Dưới góc nhìn địa-văn hóa, hai địa danh Thanh Chiêm, Hội An cùng nằm dọc sông Chợ Củi (Sài Giang) chảy về Cửa Đại (Đại Chiêm hải khẩu), cách nhau không quá 8km cả đường bộ lẫn đường sông và đều là vùng đất chưa thực sự được “khai mở” để trực thuộc Đại Việt sau đám cưới Huyền Trân với vua Chiêm Chế Mân năm 1306. Theo học giả Nguyễn Văn Xuân, sau thời điểm 1306 “nhà Trần đổi tên Châu Ô, Châu Lý (Ri) ra Thuận Châu, Hóa Châu, lập huyện “Điện Bàn miền núi” lệ thuộc phủ Triệu Phong (thuộc Quảng Trị, Châu Hóa). Nhiều người nghĩ như thế là Đại Việt đã mở rộng qua đèo Hải Vân dọc theo bờ biển còn ở nội địa thì đã mở rộng đến bờ sông Thu Bồn. Sự thật ta lệ thuộc vào Triệu Phong, Quảng Trị và nhiều lắm là được nằm theo rìa của huyện Đại Lộc và huyện Hòa Vang ngày nay, muốn tiến vào Thu Bồn còn phải vượt qua muôn nghìn dặm rừng nguyên sinh. Còn đối với Hải Vân thì phải đến một thời gian khá lâu, sau khi lấy được Thăng Hoa bao hàm Đà Nẵng, Đại Chiêm thì lịch sử mới nói chuyện đến Phủ Điện Bàn (tức vùng đất thuộc huyện Điện Bàn ở phủ Triệu Phong đã nhờ hoạt động của quân dân và chính trị mới đạt được danh vị này). Các bản đồ nhà Lê trong bản đồ Hồng Đức đều trình bày Thăng Hoa như Nguyễn Trãi đã xác định trong Dư địa chí. Nay xét Thuận Hóa về mặt đường bộ qua Hải Vân đã tới Thăng Hoa”([1]). Sau 1471 -sau thời nhà Hồ chiếm Chiêm Động, Cổ Lũy- vua Lê Thánh Tông chiếm thêm Trà Bàn (Bình Định, Hoài Nhân) - mới đặt thêm đạo thừa tuyên thứ 13. Lúc đó, “Điện Bàn vẫn còn thuộc phủ Triệu Phong, Quảng Trị, đến khi Chúa Nguyễn, năm 1602 - rút Điện Bàn ra khỏi phủ Triệu Phong nhập vào xứ Quảng Nam thì hai tên đất Điện Bàn, Thăng Hoa -thường được gọi chung là đất “Thăng Điện([2])- để chỉ vùng đất mới.

Ngược dòng lịch sử, năm 1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng -con thứ hai của Nguyễn Kim được vua Lê cho vào trấn thủ Thuận Hóa theo kế sách “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm tránh thế lực nhà Trịnh. Năm 1570, Nguyễn Hoàng được nhà vua cho kiêm lãnh trấn Quảng Nam. Tháng 7 năm Nhâm Dần (1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập Dinh trấn Quảng Nam ban đầu tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên sau dời về Thanh Chiêm huyện Điện Bàn. Ba năm sau, chúa cho tách huyện Điện Bàn lúc đó thuộc trấn Thuận Hóa ra khỏi Thuận Hóa, thăng làm phủ lãnh 5 huyện: Tân Phước, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh và Phú Châu. Cũng vào năm này, phủ Hoài Nhân được đổi thành phủ Quy Nhơn, cũng trực thuộc Quảng Nam Dinh.

Nhà nghiên cứu Phan Khoang nói về sự ra đời của dinh Thanh Chiêm như sau: “...Sau khi ở Đông Đô về (1600), Đoan quận công dời Dinh sang phía đông dinh Ái Tử trước kia, bấy giờ gọi là Dinh Cát, rồi nhận nhận thấy trấn Quảng Nam đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, số thuế thu vào nhiều hơn đất Thuận Hóa mà số quân thì cung bằng quá nửa, nên có ý kinh doanh đất này. Hoằng Định năm thứ ba (1602) chúa đi chơi núi Hải Vân, thấy núi non hiểm trở, phán rằng “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, Chúa lại vượt qua núi xem xét hình thế, sai lập dinh ở xã Cần Húc (sau này là làng Vân Đông kề làng Thanh Chiêm-NV), xây kho tàng, chứa lương thực, rồi sai công tử thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên trấn giữ([3]).

Cũng theo học giả Nguyễn Văn Xuân - “Nhưng tên Quảng Nam rồi sẽ xuất hiện với tư cách Xứ. Đặc biệt để thống lãnh hết các phủ huyện của Xứ, trấn sở của Quảng Nam, tức khu vực coi cả quân, dân, chính đặt tại làng Thanh Chiêm, phủ Điện Bàn, nên cả khu vực này được gọi là dinh trấn Quảng Nam. Những tên gọi dinh Chàm, tỉnh Chàm -trong ký ức người Tây phương gọi là “Chăm” (Tôi đến Chăm, tôi rời Chăm)...- nguyên do đất Quảng Nam xưa được gọi Chiêm Động. Dinh Chàm - chữ Hán ghi âm “Chiêm”, rồi hóa “Thanh Chiêm” mở rộng về phía biển “bao gồm Hội An” theo hướng tây-đông với các làng Phú Chiêm (trong giấy tờ cũ tôi còn thấy Hội An là thành phố Phú Chiêm)([4]). Các địa danh Thanh Chiếm xứ (nay thuộc phường Thanh Hà-Hội An), các địa danh ở vùng đông Thanh Chiêm có “âm gốc Chăm” như Trà Quế (Cẩm Hà-Hội An), Trà Nhiêu (Duy Nghĩa-Duy Xuyên), Cù Lao Chàm (Hội An)... chắc chắn có quan hệ với vùng đất Chiêm Động xưa. Mối quan hệ giữa hai địa phương khá gần gũi như sách “Ô Châu cận lục” do Dương Văn An nhuận sắc (1553) thì trong số 66 xã của huyện Điện Bàn có ghi chép một số xã hiệu nằm ở phía Bắc làng Thanh Chiêm như Phong Hồ (nay là phường Điện Nam Bắc-thị xã Điện Bàn), phía đông làng Thanh Chiêm như Lai Nghi (nay thuộc phường Điện Nam Đông-thị xã Điện Bàn) và hai làng thuộc Hội An ngày nay như Hoài Phô, Cẩm Phô([5])...

Như vậy Dinh trấn Quảng Nam hay Thanh Chiêm, người phương Tây thời đó gọi là Cac-ciam hay Dinh ciam-Dinh Chiêm, Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm. Thanh Chiêm chỉ cách Hội An 6 dặm (hơn 8km) nên rất thuận tiện cho việc kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa và ngoại thương, cũng như tiện việc giao tiếp với thương nhân nước ngoài thời đó. Thanh Chiêm nằm ngay trên đường thiên lý Bắc Nam và ngoài thủy lộ chính Thu Bồn, Cổ Cò (Lộ Cảnh Giang), về sau (vào thời các vua Nguyễn) Thanh Chiêm còn nối với Touron (Tourance, Đà Nẵng) qua sông đào Vĩnh Điện.

Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò hết sức quan trọng với sự thăng hoa của Hội An phố (Faifo) -nơi có Đại Chiêm hải khẩu- với chính sách ngoại thương thoáng mở của các chúa Nguyễn như chính sách “trú đông”, “lưu đông” hay cho thương nhân nước ngoài cư trú vô thời hạn, được dựng làng, lập phố có chế độ “tự quản riêng” như trường hợp “Phố Hoa”, “Phố Nhật” ở Hội An. Trong khoảng thời gian từ 1604 đến 1634 số thương thuyền Nhật đến Hội An chiếm tới một phần tư số thương thuyền Nhật cập bến các nước Đông Nam Á.

Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai ở Đàng Trong sau Thuận Hóa. Vua Gia Long nhận định Thanh Chiêm là “cựu đô” (Kinh đô xưa). Dưới thời các chúa Nguyễn, Thanh Chiêm là nơi thực tập, tập sự việc quản lý, điều hành đất nước của các “thế tử”. Về quân sự, do nằm bên bờ sông lớn, vị trí giao thông thuận lợi giữa miền ngược với miền xuôi, Nam với Bắc, đất liền và biển nên Thanh Chiên từng là căn cứ thủy quân lớn mạnh từng làm nên chiến thắng khi đánh với hạm đội Hà Lan năm 1644 và với hệ thống kho chứa lớn Thanh Chiêm là cơ sở hậu cần vững chãi của quân Đàng Trong, nhờ đó các chúa Nguyễn đánh bại 7 cuộc tấn công lớn của quân Trịnh vào các năm 1627, 1633, 1643, 1648, 1660, 1661, 1672. Thanh Chiêm thực sự là bàn đạp để quân dân người Việt tiến hành cuộc Nam tiến, mở cõi về phương Nam.

Thanh Chiêm-Hội An với sự du nhập đạo Thiên Chúa vào Việt Nam

Trên cơ sơ những tư liệu lịch sử đề cập đến sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam như “Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục” (giữa thế kỷ XIX, quyển 33 tờ 6B) của các sử gia triều Nguyễn, “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim (quyển hạ, Hà Nội, Imprimerie Vĩnh&Thành, 1928), “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam” (quyển I) của linh mục Nguyễn Hồng (Hiện Tại xb, Sài Gòn 1959), “Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam” của Đỗ Quang Chính, S.J (NXB Tôn giáo, Hà Nội 2008), “Sự du nhập của Thiên Chúa Giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX” của Nguyễn Văn Kiệm (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Dân tộc Việt Nam xb, Hà Nội 2001)... thì tựu trung có mấy sự kiện đáng nhớ: “Năm 1523, ông Duarte Coelho, người Bồ Đào Nha cho khắc cây Thánh giá trên một phiến đá ở Cù Lao Chàm. Trên cây Thánh giá khắc chữ INRI, tên ông COELHO và năm 1523. Năm 1556, Fernam Mendez Pinto (1515-1583), người Bồ Đào Nha, đã nhìn thấy cây Thánh giá này, rồi sau khi ông qua đời 8/7/1583 thì trong cuốn sách Perigrinacam de Fernam Mendez Pinto do ông viết, in tại Lisbõa năm 1614, có ghi sự việc này. Chúng ta biết, năm 1554 sau nhiều lần vượt đại dương, Pinto vào tu trong Dòng Tên ở Goa, nhưng năm 1556 ông xuất tu khi chưa hoàn thành hai năm Tập sinh và ngay năm đó trong cuộc hành trình từ Goa qua Malacca trên đường đi Nhật Bản, tàu chở ông đã ghé Cù Lao Chàm, nhân dịp này Pinto đã thấy cây Thánh giá trên đây. (Sở dĩ Coelho có dịp dừng tại Cù Lao Chàm là vì ông được Phó vương Bồ Đào Nha tại Goa phái đến Thăng Long Việt Nam để lập quan hệ thương mại với nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng không thể tiếp xúc được vì lúc ấy tình hình VN rối loạn do Mạc Đăng Dung nổi dậy chống lại vua Lê Chiêu Thống. Hình như Coelho chỉ mới tới bờ biển Bắc bộ thì phải quay đầu về, và trên đường về, Coelho đã cho khắc cây Thánh giá kỷ niệm chuyến đi hụt này)”([6]).

Theo “Khâm Định Việt sử” thì vào năm 1533, Nguyên Hòa I, đời Lê Trang Tông “đã ra một chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa, chỉ dụ ấy cho biết, có một giáo sĩ tên I-ni-khu, theo đường biển vào giảng đạo tại làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định”. Còn theo cuốn “Sử ký Hội Thánh” của cha Huân (xuất bản ở Bùi Chu năm 1940) thì “nói rõ hơn là rất lâu trước khi các giáo sĩ Dòng Tên (Jésuites) đến truyền giáo ở Bắc Kỳ thì đã có mấy dòng Dominicains, có trụ sở ở Manila đến giảng đạo tại các xã Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ, Bích Câu thuộc tỉnh Nam Định...”([7]).

Địa điểm kế đến là Thanh Hóa với việc tòng đạo của công tử Đỗ Hưng Viễn, con quan đại thần triều Lê Trung Hưng vào khoảng những năm 1560-1570, dưới thời Lê Anh Tông (1556-1573) - vị vua đã “biên thơ xin đức cha Carneiro ở Áo Môn (Macao) gởi thừa sai đến Việt Nam. Đến thời Lê Thế Tông (1573-1599), lên ngôi còn nhỏ tuổi, được chị là công chúa Chèm làm nhiếp chính. Bà đã sai sứ giả sang Áo Môn nhiều lần xin đức cha Carneiro gởi thừa sai đến Việt Nam. Năm 1588-1589 đức cha gởi hai cha triều Alphonso de Costa và Juan Gonsaves đến Việt Nam. Năm 1590, cha Perdro Ordonez de Cevallos bị giạt bão vào Việt Nam, được đưa về kinh đô vua Lê ở An Trường (Thanh Hóa). Nhờ sự giảng dạy của cha, bà chúa Chèm đã trở lại đạo, lãnh phép rửa tội cùng với nhiều nàng hầu, cung nữ ngày 22/5/1591. Bà lấy tên thánh là Maria, nên gọi là Mai Hoa, bà lập một tu viện lấy tên Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trong đó ngày 26/6/1591, cha Ordonez đã dâng lễ và 51 nữ tu đầu tiên đã làm lễ khấn tạm. Nhiều người dân cũng đã trở lại đạo, sống thành làng Gia tô, đông đến 400 nhân danh. Cuối năm 1591, bà Hoàng Thái Hậu - mẹ công chúa Mai Hoa, cũng đã trở lại đạo, trước khi chết”([8]).

Cũng trong thế kỷ XVI, Quảng Nam và Thuận Hóa đã đón hai linh mục dòng Đa Minh là cha Luis de Fonseca và Gresgoire de la Motte đến Quảng Nam năm 1580-1586 và sau đó, việc ba nhà truyền giáo khác dòng Đa Minh, là cha Alfonso Jimenez, cha Diego và thầy trợ sĩ Juan Deza đến Cửa Hàn vào năm 1595 và đã khuyên được hai tù nhân bị án tử hình ở Thuận Hóa theo đạo và an táng theo nghi lễ Công giáo.

Cuối thế kỷ XVI, theo lời mời của Mạc Mậu Hợp, một phái đoàn các cha dòng Fancisco gồm 4 linh mục là D.Operosa, B. Ruiz, P. Ortis, Fr.Motila và 4 thầy trợ sĩ cập bến An Quảng (Quảng Yên) ngày 1/5/1583. Nhưng khi vừa tới bến để lên Thăng Long, thì tàu bị bão đánh dạt sang Hải Nam. “Hai năm sau, cha Ruiz, đã 61 tuổi, trở lại được Thăng Long, được vua tôi nhà Mạc đối xử tử tế, được tự do giảng đạo, nhưng không có ai theo đạo. Ngài chỉ rửa tội được cho một em bé sắp chết([9]).

Công cuộc truyền giáo ở xứ Đàng Trong nửa cuối thế kỷ XVI  được các nhà nghiên cứu nhận định: “Ở vùng Quảng Nam, Thuận Hóa của Nguyễn Hoàng, từ sau khi người Bồ lập trụ sở thương mại ở Áo Môn, liên lạc thương mại giữa Áo Môn và Cửa Hàn, Cửa Hội An tiến triển đều đều. Thường thường các tàu buôn người Bồ đến buôn bán ở đó đều có mang theo một vài thừa sai. Trong thời kỳ người Bồ ở lại buôn bán, các cha cũng tìm dịp truyền giáo cho người Việt ở khu cảng. Nhưng vì thiếu tổ chức bền bỉ nên không đi đến kết quả khả quan([10]).

Cuộc bách hại tôn giáo ở Nhật năm 1614 đã có ảnh hưởng lớn đến công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong. Năm 1614, Daifusama, hoàng đế Nhật ra chỉ trục xuất tất cả các thừa sai ngoại quốc (có nguyên do bởi sự cạnh tranh của thương nhân Hà Lan với thương nhân người Bồ, họ tác động lên Nhật Hoàng. Theo một số sử liệu Công giáo thì cuộc cấm đạo do Tướng quân Phong Thần Tú Cát (Thôyotomi Hidetaka) từ 9/12/1596 và nhất là của Tướng quân Đức Xuyên Tú Trung (Tokugawa Hidetaka) từ 4/2/1614). Việc cấm đạo đã dẫn đến hệ lụy là hàng nghìn giáo dân Nhật Bản bắt đầu cuộc sống lưu vong. Sách “Lịch sử giáo hội Nhật Bản - từ những buổi sơ khai đến bắt đầu kỷ nguyên Minh Trị” ghi nhận sự kiện liên quan đến Cochine-China (Đàng Trong) như sau: “Mậu dịch phát đạt với Đàng Trong bắt nguồn từ những khu định cư của người Nhật ở Tourance (Đà Nẵng) và Faifo (Hải Phố). Những thừa sai dòng Tên tiên khởi được phái từ Macao đến các cảng này là Diego Carvalho bị trục xuất khỏi Nhật Bản năm 1614 và Francesco Busomi. Cả hai đến đây vào tháng 1/1615. Carvalho coi sóc các Kitô hữu Nhật Bản tại Faifo. Tuy nhiên một năm sau đó ngài quay lại Macao, rồi đi Nhật Bản và chịu tử đạo tại Sendai năm 1624. Busomi có cơ sở chính tại Tourance nơi ngài xây được một nhà thờ. Khi ngôi nhà thờ bị người bản xứ thiêu rụi, vài tháng sau đó, ngài tìm được nơi trú ngụ trong nhà một Kitô hữu Nhật Bản tại Faifo([11]).

Ngày 18/1/1615 Thiên Chúa giáo ghi nhận sự kiện trọng đại: ba tu sĩ dòng Tên là cha Francesco Buzomi, người Ý, cha Diego Carvalho và tu huynh Antosnio Dias, người Bồ Đào Nha, từ Áo Môn đến Cửa Hàn, Hội An - “xem ra mục đích cụ thể nhất là làm việc mục vụ cho những Nhật kiều Công giáo tại Hội An, một phần là thương gia, phần kia là người Công giáo Nhật phải chạy trốn khỏi quê hương... Tiếp xúc với người Việt, dù các ông chưa biết tiếng Việt, chưa hiểu hết hoàn cảnh chính trị, văn hóa, xã hội xứ này, nhưng các ông cũng nhận ra rằng người Đàng Trong có thể sẽ tiếp nhận Tin Mừng. Vì thế ngay từ cuối năm 1615 trở đi, các ông coi việc truyền giáo cho người Việt là mục đích chính, còn việc mục vụ cho Nhật kiều là phụ. Từ đó các giáo sĩ dòng Tên ở Áo Môn tiếp tục vào Đàng Trong rao giảng Tin Mừng suốt từ sông Gianh đến Phú Yên([12]).

Từ năm 1615 đến năm 1625 (năm cha De Pina mất do chết đuối vì bão tại Cửa Hàn), công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong được khởi phát quanh vùng Quảng Nam - Quy Nhơn với các địa điểm quan trọng: Hội An, trấn Quảng Nam (Thanh Chiêm), Nước Mặn (Quy Nhơn). Như vậy, Đà Nẵng, Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn... là những địa danh Thiên Chúa giáo vào Đàng Trong sớm nhất.

Hai địa danh Cửa Hàn và Hội An được ghi danh trong lịch sử truyền giáo Việt Nam. Ngày 18/1/1615 được Tòa Thánh Vatican chọn là “ngày bắt đầu công cuộc truyền giáo vào Việt Nam([13]). Những sự kiện lịch sử đáng nhớ của Giáo Hội còn là: “-Cuộc họp lần I giữa các vị thừa sai dòng Tên tại Hội An năm 1619 để phân chia trách nhiệm mục vụ; -Cái chết của cha Francesco de Pina tại Cửa Hàn năm 1625; -Hội Thầy Giảng được cha Alexandre de Rhodes thành lập năm 1640 tại Hội An, nhận lời khấn giữ luật độc thân, phục vụ dân Chúa của hơn mười thầy giảng đầu tiên vào năm 1642, và cái chết oai hùng của vị tử đạo tiên khởi tại Đàng Trong: Thầy giảng Anrê Phú Yên vào ngày 26/7/1644 tại Phước Kiều, Quảng Nam...”.

Cũng theo sách “Lịch Công Giáo-Giáo Phận Đà Nẵng-Năm Phụng Vụ 2013” thì “Đặc biệt, về phương diện văn hóa xã hội, địa danh Hội An-Thanh Chiêm đã gắn liền với một công trình lớn về văn hóa: nơi khởi đầu các nghiên cứu và áp dụng chữ Quốc ngữ được khởi xướng do cha F. Pina, có mặt tại Hội An từ những năm 1622-1623, và được hoàn bị với những nỗ lực không mệt mỏi của cha Alexandre de Rhodes, có mặt tại Hội An vào những năm 1624, 1640 và từ năm 1642 đến khi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam ngày 3/7/1645([14]).

Thanh Chiêm-Hội An với chữ Quốc ngữ

Sáng tạo chữ Quốc ngữ với mục đích ban đầu - theo các giáo sĩ là để truyền đạo. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên - “chữ Việt manh nha xuất hiện từ năm 1625-1626 trong một bức thư của giáo sĩ F.Buzomi, người Ý. Năm 1627, giáo sĩ Baldnotti đã xuất bản một bản “Điều trần về xứ Đàng Ngoài” có ghi một vài chữ quốc ngữ. Năm 1631, trong quyển “Điều trần về xứ Đàng Trong” của giáo sĩ Christoforo Bori, người Ý, đã xuất hiện nhiều câu quốc ngữ như: scin (xin), ciàm (chẳng), gnoo (nhỏ), chiam (chăng), tlom (trong), bua (vua)...”(15).

Các nhà nghiên cứu lịch sử chữ quốc ngữ gần như đều chung một quan điểm coi chữ quốc ngữ là công trình tập thể của các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Ý, Pháp - trong đó công lớn thuộc về “bậc thầy tiếng Việt” là Francisco de Pina. “Pina đến Hội An năm 1617, năm sau (1618) ông sang Nước Mặn ở hai năm rồi trở lại Hội An. Năm 1623, ông đến Thanh Chiêm và ngày 15/12/1625, ông bị chết đuối tại bờ biển Quảng Nam. Dịp đó có tàu Bồ Đào Nha từ Cam Bốt về Áo Môn, bỏ neo ở hải phận Quảng Nam, Pina cùng một người Việt chèo ghe ra tàu để lấy các đồ phụng tự. Khi ghé vào bị gió bão bất chợt, lật ghe. Vì mặc áo dài nên Pina không bơi vô được nên chết đuối”([15]).

Pina có hai học trò là giáo sĩ Gaspar d/Amaral và Antonio Barosa. Hai giáo sĩ này là người đầu tiên viết từ điển Việt-Bồ-La (Diccionário An Namita português-latim) và Bồ-Việt (diccionário portugueess-An Namita) mà sau này A. de Rhodes kế thừa để làm nên cuốn từ điển Việt-Bồ-La năm 1651. Cha Đắc Lộ (A. de Rhodes) cho biết sở dĩ ngài soạn được cuốn từ điển này là vì “thứ nhất, ngài đã lưu trú 12 năm cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Thứ hai ngài đã học tiếng Việt, nhất là về thanh và âm với một cậu bé Việt Nam chừng 12-13 tuổi. Thứ ba ngài cũng đã học tiếng Việt với cha Francois de Pina người Bồ, là người ngoại quốc thứ nhất rất thông thạo tiếng Đàng Trong, người thứ nhất giảng mà không cần thông dịch viên. Thứ bốn ngài đã sử dụng từ điển Việt-Bồ của cha Gaspad d / Amaral  và từ điển Bồ Việt của cha Antonio Barbosa, cả hai đều người Bồ([16]).

Những tài liệu khác cũng cho thấy “thầy” của các giáo sĩ Amaral và Barbosa có tới 14 người. Những cái tên như Trâm, Văn Triều, Sang, Văn Tang, Cai, Văn Nhất... xuất hiện trong một tài liệu của dòng Tên mang tên “Chung quanh mô thức rửa tội bằng thổ ngữ An Nam”([17]).

Tại Hội An và Thanh Chiêm, từ năm 1621 đến 1625, linh mục Francisco de Pina đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy cho hai giáo sĩ là Alexandre Rhodes, người Pháp và Antonio Fonte, người Bồ Đào Nha. F. de Pina cũng đồng thời viết hai tài liệu giảng dạy “Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt” và “Ngữ pháp tiếng Việt”.

Trong lời giới thiệu cuốn “Phép giảng tám ngày”, các nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm đã đánh giá công lao của A. de Rhodes một cách xác đáng: “Vẫn hay rằng việc sáng chế ra chữ quốc ngữ là một công trình tập thể của một số giáo sĩ người Âu, đa số là người Bồ Đào Nha, với sự tham gia trực tiếp của một số người Việt dạy tiếng mẹ đẻ cho các giáo sĩ. Nhưng giáo sĩ Đắc Lộ chính là người đã tổng hợp các nỗ lực kia để làm cho lối phiên âm đó có một hình thức và một quy pháp nhất định -ngoại trừ một ít thay đổi nhỏ về sau- và cuốn “Phép giảng tám ngày” của người là bản khai sinh chính thức của “chữ quốc ngữ” vậy”([18]).

Chữ quốc ngữ ngay từ thời thực dân Pháp vừa mới chiếm Nam Kỳ đã nằm trong kế sách “quốc ngữ hóa” Nam Kỳ của thực dân Pháp bằng việc cho phép ra tờ “Gia Định báo” (15/4/1865) và nghị định của Thống đốc Nam Kỳ ngày 22/2/1868 “chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Âu Châu trở thành bó buộc trong giấy tờ chính thức”. Vì là chữ của “giặc Tây”, của Cố đạo nên chữ quốc ngữ đến với người Việt gặp bao nỗi khó khăn. Ở Quảng Nam mãi đến khi phong trào Duy Tân khởi xướng (1906), vì việc học chữ quốc ngữ khá tiện ích trong đời sống, dễ học nên các nhà lãnh đạo phong trào đã khuyển dương việc học chữ quốc ngữ để “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như chí sĩ người Điện Bàn-Trần Quý Cáp đã viết; “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra trình trước dân ta/  Sách Âu Mỹ, sách Chi-na/ Chữ kia, nghĩa nọ dịch ra tỏ tường”.

Hội An-Thanh Chiêm (La Qua) còn là nơi sản sinh ra nhà soạn tuồng hát bội Nguyễn Hiển Dĩnh, nghệ sĩ tuồng Nguyễn Lai và cùng với tầng lớp thị dân của Chợ Củi - với rạp An Quán, Vĩnh Điện, thị dân của Hội An phố - với rạp Bang Chầu, Đồng Lạc - đã tạo nên một lớp công chúng có tri thức, ham mê, nuôi sống và bảo tồn nghệ thuật hát bội thế kỷ XIX, XX. Và dòng họ Nguyễn Tường Hội An với những nhà văn như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam... đã cùng với nhóm “Tự Lực văn đoàn” đã đưa văn học chữ quốc ngữ “hội nhập” với văn chương Âu Tây vào những năm 30 thế kỷ XX.

Thanh Chiêm từng được các vua nhà Nguyễn quan tâm phục hồi, tái thiết nhưng bất thành. Ngày nay thành cũ không còn do bao biến cố, dâu bể, chiến tranh. Thành cổ chỉ còn những vết tích nền móng như tường thành, tàu tượng, kho súng, kho lương, phường đúc, gò sứ... tản mác đó đây. Thanh Chiêm còn đó ngôi nhà thờ Phước Kiều, tương truyền xây lại trên nền xưa (nhà thờ Thiên Chúa giáo xây năm 1625, do F. de Pina làm Cha bề trên quản nhiệm trú), làng nghề đúc đồng Phước Kiều, đình làng An Nhơn, chùa Nhơn An, Nhà thờ Bà chúa Tằm tang Đoàn Thị Ngọc và đặc biệt chính diện nhà thờ Tiền hiền, trước trường THCS Nguyễn Du, năm 2007 -kỷ niệm 405 Dinh trấn Thanh Chiêm- văn bia Dinh trấn Thanh Chiêm đã được dân làng dựng khắc. Văn bia có câu: “Xứ Thanh Chiêm xưa là dinh trấn/ Hậu cần cho chúa Nguyễn khai cơ/ Đất phương Nam cò bay thẳng cánh/ Phố sông Hoài thuyền đậu buồm giăng/ Cũng do từ Thanh Chiêm khởi phát...”.

P.T.Đ

([1]) Nguyễn Văn Xuân (2003) - Danh xưng Quảng Nam-Kỷ yếu hội thảo - Tam Kỳ 9/2001 - Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Nam tr.50-58

([2]) Nguyễn Văn Xuân (2003) - Sdd...tr.52

([3]) Phan Khoang (1969) - Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777 - NXB Khai Trí, Sài Gòn, tr.161

([4]) Nguyễn Văn Xuân (2003) - Sđd... tr.52

([5]) Dương Văn An (nhuận sắc) (2009) - Ô Châu cận lục (Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính, chú giải) - NXB Giáo Dục, Hà Nội, tr.38-39

([6]) Đỗ Quang Chính, S.J (2008) - Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam - NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr.5-6

([7]) Nguyễn Văn Kiệm (2001) - Sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xb, tr.50

([8]) Trần Văn Cảnh (2014) - Đạo công giáo vào Việt Nam (1533-1659) - vanchuongviet.org

([9]) Trần Văn Cảnh(2014) - Đạo công giáo... bài đã dẫn

([10]) Nguyễn Hồng (1959) - Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam quyển I - Hiện Tại xb, Sài Gòn, tr.41

([11]) Joseph Jennes Cicm (2008) - Lịch sử Công giáo Nhật Bản... - NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr.235

([12]) Đỗ Quang Chính (2008) - Sđd, tr.7

([13]) Lịch Công giáo-Giáo phận Đà Nẵng (2013) - NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr.99

([14]) Lịch Công giáo - Sđd (2013)... tr.135-136

([15]) Đỗ Quang Chính (1972) - Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 - Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, tr.26

([16]) Trần Văn Cảnh (2014) - Chữ quốc ngữ đã được Công giáo khai sinh năm 1651 - vanchuongviet.org

([17]) Trần Nhật Vy (2013) - Sđd... tr.20

([18]) Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm (1961) - Giáo sĩ Đắc Lộ (A. de Rhodes) và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên (tái bản trọn cuốn “Phép giảng tám ngày” - Tinh Việt văn đoàn, Sài Gòn, lời tựa, tr.5


Quay về
VĂN
ÔNG NGÀ
CÔ GÁI ẤY
PHÍA CUỐI CON ĐƯỜNG
TAM KỲ, THÀNH PHỐ TRẺ
CÒI TÀU HÚT GIÓ VÀO GA...
THƠ
MẦM HẠT + HỎI
KHÔNG ĐỀ VỀ HOA XẤU HỔ + GÓC KHUẤT TRÁI TIM ANH
OSAKA + CÂY BẢN ĐỊA
NƠI TA NGỒI IM LẶNG + BÀI CHO CON YÊU
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG ĐÊM + NHẶT GIẤC MƠ XƯA
QUÊ TÔI + DẮT TAY CON
THÀNH PHỐ BÊN SÔNG + NGÀY MỚI
PHỐ SƯA
TAM KỲ PHỐ
TAM KỲ LÀM SAO XA?!...
CÙNG CHIỀU
MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA
TAM KỲ - BẤT CHỢT MƯA
VỀ CÙNG THƯƠNG NHỚ
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
NGHĨ VỀ TRỤC VĂN HÓA THANH CHIÊM - HỘI AN TRONG LỊCH SỬ
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
THẾ SỰ TRONG THƠ SAU 1975 CỦA THẾ HỆ CÁC NHÀ THƠ CHỐNG MỸ
MỘT NỒNG NÀN, MỘT NHỚ THƯƠNG...
GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC
MẤY "GÓC NHÌN" VỀ MỘT LIÊN HOAN ẢNH
VĂN HỌC - HỌC VĂN
MỘT HƯỚNG TIẾP CẬN BÀI THƠ "ĐÀN GHITA CỦA LORCA"