|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: HẬU DUỆ XÓM CHỒI
Tác giả: Nguyễn Tam Mỹ

Truyện ngắn



Đức cười bảo: “Cố vấn định lén anh em đi ăn mảnh phải không? Để khi khác đi! Chiều nay, Trưởng đoàn hào phóng mở hầu bao khao mọi người”. Tôi cũng cười nói: “Biết rồi! Anh nhờ chú mày uống giúp mấy ly. Ông Hai Duân mời tới nhà chơi. Không đi không được. Thằng Hải - cháu nội ổng, đang đứng đợi nơi cổng khách sạn kia kìa...”. Đức chậc lưỡi: “Tụ bạ mà thiếu Cố vấn, mất vui!”. Tôi không nói gì, chỉ nháy mắt với cậu ta rồi quơ chiếc áo khoác bước ra khỏi phòng. Tấn phong cho tôi cái chức “Cố vấn”, Đức đùa vậy thôi, bởi tôi hoàn toàn không dính dáng gì đến ê kíp làm phim tài liệu “Người Quảng ly quê”. Chỗ quen thân, Trưởng đoàn rủ tôi lên Tây Nguyên chơi, tiện thể khai thác vốn hiểu biết của tôi về “bà con quê mình đi dinh điền” vào những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX để giúp anh em trong đoàn tác nghiệp. Ừ, đi thì đi. Vì thế, tôi mới có mặt ở huyện Krông Pa - vùng đất Phú Bổn xưa, nơi người Quảng đến khai hoang lập nghiệp dưới thời Ngô Đình Diệm.

“Đêm nay chú ở lại nhà cháu, không về được đâu! Ông nội cháu bảo, lâu lắm rồi mới gặp được người đồng hương để hàn huyên...”. Thằng Hải cười nói khi tôi vừa từ khách sạn bước ra. Điều khiển chiếc xe máy tay ga đắt tiền, Hải đèo tôi rời thị trấn Phú Túc, chạy trên con đường liên xã đã được bê tông hóa êm ru, xuyên qua những làng quê trù phú với màu xanh cây trái sum suê. “Cháu nói trước để chú chuẩn bị tinh thần, bởi chắc chắn ông nội cháu sẽ “tra tấn” chú bằng câu chuyện dài lê thê về ngày xửa ngày xưa của vùng quê nào đó cháu cũng không biết rõ”. Trên đường đi, thằng Hải cho tôi hay. “Chú là người chịu khó lắng nghe, cháu đừng hù dọa, uổng công vô ích!”. “Cháu nói thật đấy! Ba cháu rồi đến cháu từng là “nạn nhân” của ông nội cháu...”. “Và bây giờ sắp tới lượt chú, đúng không?”. Tôi cười. Thằng Hải cũng cười. Gần mười ngày ở huyện Krông Pa, tôi và ê kíp làm phim đã lội khắp các xã Krông Năng, Chư Drăng, Đất Bằng, Chư Ngọk... gặp gỡ nhiều gia đình người Quảng làm ăn sinh sống từ bao đời nay ở vùng đất này. Ai cũng nhiệt tình giúp đỡ ê kíp làm phim tác nghiệp. Nhất là ông Hai Duân. Ông không ngại ngần vén màn bàn thờ tổ tiên, bày biện hoa quả, bánh trái, thắp hương khấn vái ông bà để anh em ghi hình. Tôi chú ý hai vật thiêng được phủ vải điều treo phía bên trên bàn thờ. Đó là cái bị da xám mốc và cây gậy trúc đã lên màu thời gian đen bóng.

Ông Hai Duân nhận đồng hương với tôi. Nghĩa là ông có gốc gác ở Tiên Phước - vùng trung du nhấp nhô gò đồi, nơi con sông Tiên hiền hòa thơ mộng có dòng chảy ngược từ Đông sang Tây. Liệu ông có phải là hậu duệ xóm Chồi? Hồi nhỏ, mẹ tôi thường hay dẫn tôi sang nhà ngoại bên Tiên Giang Thượng ở chơi cả tuần rồi mới qua đón về. Không có mẹ trông coi, tôi theo cậu Quyền Anh và cậu Quyền Em lần ra cánh đồng bậc thang nhỏ hẹp tiếp giáp với bờ vườn, tìm những cây rêu đầu có móc mọc trên thảm rêu xanh mượt như nhung để chơi trò đá gà với nhau. Không ít bận cậu Quyền Anh và cậu Quyền Em lén ông bà ngoại rủ tôi qua bên kia cánh đồng chơi trốn tìm với lũ trẻ con xóm Chồi. Tôi không khỏi ngỡ ngàng ngạc nhiên khi thấy nhà nào cũng có cái bị da và cây gậy trúc được phủ vải điều treo bên trên bàn thờ. Tò mò. Tôi hỏi lũ trẻ con xóm Chồi. Chúng lặng im không nói. Tôi hỏi cậu Quyền Anh và cậu Quyền Em. Cả hai đều lắc đầu không biết. Đêm về, tôi hỏi bà ngoại. “Đó là xóm ăn mày. Cái bị và cây gậy là hai vật tổ của họ. Mà cháu đừng có qua bên ấy nữa, lỡ sẩy chân té ngã xuống ruộng, ông ngoại đánh roi...”. Bà ngoại đe. E ngại không dám hỏi thêm nhưng tôi cảm thấy có gì đó thật khó hiểu. Dân xóm Chồi đâu có đi ăn mày? Hàng ngày họ vẫn vác cuốc ra đồng trồng khoai tỉa đậu, cầm rựa ra vườn phát cây dọn cỏ như bao bà con trong làng trong xóm...

- Vài hôm nữa chú sẽ rời Krông Pa -ông Hai Duân nói khi tôi vừa bước vào sân- Vì vậy, tôi sai thằng Hải lên trên ấy chở chú về đây chơi.

- Là người cùng quê, trước lúc về lại xứ Quảng, em phải đến chào anh và gia đình chứ! - Tôi trả lời.

Tối hôm đó, gia đình ông Hai Duân thết đãi tôi bữa cơm rượu cây nhà lá vườn khá thịnh soạn với những món ăn lạ và ngon cực kỳ. Khi tàn cuộc, thằng Hải đứng dậy đi xuống nhà dưới. Lát sau, hắn quay lại nháy mắt với tôi rồi nói với ông Hai Duân: “Thưa nội, cháu đã pha sẵn ấm trà hảo hạng để ở chiếc chõng tre kê dưới tán cây vú sữa ngoài sân. Cháu cũng đã mắc hai cái võng cho nội và chú nằm đàm đạo chuyện quê chuyện đời...”. Anh Thời - con trai ông Hai Duân, cha của thằng Hải, đi họp tổ đoàn kết bàn việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới. Thằng Hải đi chơi với bạn bè. Chị Sự - vợ anh Thời, cùng mấy đứa nhỏ mở ti vi xem phim Hàn Quốc. Ông Hai Duân và tôi ngồi trên chiếc chõng tre vừa uống trà vừa trò chuyện. Không giấu được niềm vui, ông Hai Duân khoe với tôi về cuộc sống của cộng đồng người Quảng ở huyện Krông Pa. Dẫu chưa giàu có nhưng hầu hết bà con đều làm ăn khá giả. Và mươi năm nay, Hội đồng hương người Quảng xa quê được thành lập đã tập hợp mọi người gắn kết lại dưới mái nhà chung. Rồi ông Hai Duân hỏi tôi về miền quê Tiên Giang Thượng đã đổi thay thế nào sau mấy mươi năm giải phóng. Tôi kể cho ông nghe mọi chuyện. Rồi tôi hỏi ông: “Bây giờ việc đi lại không còn nhiêu khê vất vả như xưa, sao anh không về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn?”. Ông Hai Duân im lặng, vẻ mặt chợt trầm ngâm.

“Mình phạm sai lầm khi vô tình đụng chạm tới nơi thẳm sâu trong đáy lòng ông Hai Duân”. Tôi chột dạ. “Thực ra, tôi rất muốn được về thăm lại nơi ấy, dù chỉ một lần thôi! Tiếc là tôi chẳng có ai thân thích ruột rà ở đấy. Vả lại...”. Mãi sau ông Hai Duân mới khẽ khàng bảo. Ngồi hoài mỏi lưng, ông Hai Duân và tôi chuyển sang nằm võng.

Bằng giọng trầm đều, ông kể cho tôi nghe về gốc gác của mình. Ông không phải người làng Tiên Giang Thượng. Cha mẹ ông vốn là dân ở một làng biển nào đó thuộc vùng giáp ranh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Theo lời thân phụ ông, vào đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, làng biển ấy gặp đại nạn. Suốt vụ cá nam dân làng không thể dong thuyền buồm ra khơi được vì giặc Tàu ô([1]) quấy nhiễu. Sang vụ cá bắc biển động vì giông tố hoài. Nạn đói xảy ra. Và ngày càng hoành hành dữ dội. Đói, đầu gối phải bò. Cả làng biển dắt díu nhau tha phương cầu thực khắp nơi. Bước chân vô định đã đưa họ phiêu dạt lên Tiên Phước - vùng trung du nhấp nhô gò đồi, rồi quần tụ ở làng Tiên Giang Thượng... “Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn ông Hai Duân là hậu duệ xóm Chồi”. Tôi thầm nghĩ. Ký ức tuổi thơ lại ùa về trong tâm trí tôi. Hồi nhỏ tôi từng nghe mẹ kể rằng, xóm Chồi là dân ngụ cư, bởi không rõ họ từ đâu xô dạt tới. Người làng Tiên Giang Thượng thấy họ thật thà chất phác nên mở rộng vòng tay cưu mang đùm bọc. Quả đồi nổi lên giữa cánh đồng bậc thang là đất chung của làng được mọi người đồng ý cho họ khai phá, dựng nhà sinh sống làm ăn...

- Là dân Tiên Giang Thượng, hẳn chú biết ông thầy Tám cắt thuốc Bắc? - Ông Hai Duân chợt hỏi tôi.

- Dạ biết! Bởi ông thầy Tám chính là ông ngoại em! - Tôi cười nói.

Ngồi bật dậy như một chiếc lò xo bị nén chặt bung ra, ông Hai Duân ngó tôi chằm chằm. Rồi ông hỏi dồn: “Vậy, hóa ra chú là con cô Bốn?”. Tôi gật đầu. Ông Hai Duân rướn người qua nắm chặt tay tôi: “Đúng là quả đất xoay tròn. Ở tuổi tám lăm gần đất xa trời, không ngờ tôi còn có cơ duyên để gặp cháu ngoại ông thầy Tám...”. Những năm tháng xa xưa lại ùa về trong ông. Lúc bấy giờ, ông là cậu bé lên chín lên mười, đủ khôn để hiểu biết mọi chuyện. Chính quyền hương lý buộc những người phiêu dạt tới địa phương phải nhập vào các tộc họ ở làng Tiên Giang Thượng mới được ngụ cư. Có như thế, họ mới dễ bề quản lý địa hạt. Ngặt nỗi, các tộc họ nhất quyết khước từ, vì thêm người là thêm suất đinh, thêm các khoản xâu thuế, phu phen tạp dịch... Tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đúng lúc ấy, ông thầy Tám ra tay nghĩa trượng. Ông Hai Duân xúc động kể lại. Chuyện này, tôi có biết. Bà ngoại bảo, ông ngoại tôi là thầy thuốc Bắc giỏi, lại hiền từ nhân đức nên rất có uy tín trong vùng. Không chỉ bà con trong làng trong xã mà đám hương lý, phú hào, địa chủ... cũng đều nể trọng. Tiếng nói của ông ngoại tôi luôn được bọn họ lắng nghe. Chẳng rõ ông ngoại tôi thuyết phục thế nào mà bọn họ không trục xuất những người lạc xứ, lại còn cho không quả đồi nổi lên giữa cánh đồng bậc thang ở phía sau nhà ngoại để họ làm chốn ngụ cư.

“Thân phụ tôi bảo, ngày ấy, ông thầy Tám đã bày cho cha tôi và những người cùng cảnh ngộ nhận là ăn mày sẽ được toại nguyện. Bởi đấy là lớp người dưới đáy xã hội, sống ngoài vòng pháp luật, chính quyền hương lý, tổng huyện chẳng thèm quan tâm”. Ông Hai Duân trầm giọng kể. Tuy còn bé nhưng ông nghe hóng cuộc chuyện trò giữa ông ngoại tôi với cha ông và nhớ mãi không quên. Ông ngoại tôi bảo, đất nước mình là thuộc địa của Phú Lãng Sa([2]) và người dân mình là tôi tớ của bọn mũi lõ mắt xanh. Vua quan chỉ là lũ bù nhìn. Kẻ ngoại bang mới là chủ nhân đích thực của giang sơn xã tắc. “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta! Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày... Tôi nói vậy, có đúng không? Mong ông và bà con suy nghĩ, đừng vì cái danh hão mà bỏ lỡ cơ hội ở lại làng Tiên Giang Thượng”. Ông Hai Duân cầm phích nước sôi châm thêm vào ấm trà và nhắc lại lời ông ngoại tôi nói với cha ông trong buổi chiều cuối hạ. “Và từ đấy, xóm Chồi ra đời?”. Tôi hỏi. “Đúng vậy!”. Ông Hai Duân nói. “Hôm mới đến đây, nhìn thấy chiếc bị da và cây gậy trúc dưới tấm vải điều, khi anh vén màn bàn thờ bày biện hoa quả, bánh trái, thắp hương vái lạy tổ tiên cho ê kíp làm phim ghi hình, em đã sinh nghi nhưng không dám hỏi. Thời thế đã đổi thay và thân phận bà con mình bây giỡ cũng đã đổi khác, sao anh vẫn còn cất giữ...”. Tôi bỏ lửng câu nói giữa chừng. Ông Hai Duân làm như không nghe thấy, cứ mãi ngắm nhìn tán lá vú sữa lao xao trong gió.

Minh họa: TRẦN ĐỨC

“Cũng đã có người hỏi tôi câu đó. Với họ, tôi chỉ cười. Nhưng với chú, tôi trải lòng không giấu giếm...”. Ông Hai Duân bất chợt lên tiếng. Cái bị da và cây gậy trúc vừa là vật tổ vừa là vật kỷ niệm của một thời lạc xứ tha hương. Ở đời, người ta thường hay quên lúc nhàn hạ thái lai song lại luôn nhớ khi bĩ cực cơ hàn. Và ông Hai Duân cũng vậy. Cái bị da và cây gậy trúc là hai báu vật để ông nhắc nhở con cháu trong nhà, dẫu làm ăn giàu có cỡ nào cũng đừng bao giờ coi khinh những kẻ ăn mày ăn xin nơi đầu đường xó chợ. “Hồi đó xóm Chồi có cả thảy mười bảy nóc nhà tranh tre nứa lá với hơn trăm con người gồm đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con... Mang tiếng ăn mày nhưng mỗi năm dân xóm Chồi chỉ xách bị gậy đi xin có hai ngày mà thôi! Đi xin cho có lệ. Đi xin để hương lý quản hạt nhớ rằng, dân xóm Chồi là những người cùng đinh, không phải đóng xâu thuế, không phải tham gia phu phen tạp dịch...”. Ông Hai Duân kể. “Có lẽ hồi đó chú còn nhỏ, không nhớ rõ hai ngày đặc biệt đó của dân xóm Chồi?”. Ông Hai Duân hỏi. Tôi gật đầu. Ông cười bảo, thực ra đấy là hai ngày dân xóm Chồi đi chơi tết sớm và đi chơi tết muộn. Hai mươi lăm tháng chạp, cả xóm đi khắp làng Tiên Giang Thượng. Ai cũng cho gạo nếp, bánh trái đem về cúng tổ cuối năm. Ra giêng, qua rằm mọi người cùng nhau dạo quanh một lượt. Lại được bà con cho đủ thứ đem về cúng tổ đầu năm...

- Ông thầy Tám -ông ngoại chú, giúp dân xóm Chồi chọn hai ngày đó. Quả là hợp tình hợp lý- Ông Hai Duân bật mí với tôi.

- Chuyện lâu rồi mà anh vẫn còn nhớ! - Tôi cười.

Bầu trời đêm thu ở cao nguyên đầy sao và cao vời vợi. Làng quê thanh bình yên tĩnh. Nằm trên võng, tôi lắng nghe ông Hai Duân kể chuyện về một thời xa lắc xa lơ. Ông cứ ngỡ ông ngoại tôi chỉ biết bắt mạch cắt thuốc chữa bệnh cứu người, nào ngờ ông ngoại tôi lại rất quan tâm đến sự vần xoay của thời cuộc. Tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền về tay nhân dân vào mùa thu Cách mạng 1945. Làm Chủ tịch xã Tiên Giang Thượng khi làng được đổi tên thành xã. Và rồi vận động mọi người ủng hộ Chính phủ cụ Hồ kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược đất nước ta lần thứ hai... “Ai hay ông ngoại chú đột ngột qua đời bởi một lần cảm vặt. Thú thật tôi không nhớ rõ ngày tháng năm nào, chỉ mang máng vào đầu thập kỷ 50”. Ông Hai Duân trầm giọng bảo với tôi. “Ông ngoại em mất ngày 23/6/1952 âm lịch”. Tôi nói. Chín năm kháng chiến trường kỳ rồi cũng kết thúc bằng “chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”. Hòa bình được lập lại. Mỹ hất cẳng Pháp nhảy vào miền Nam. Hai năm hiệp thương để tổng tuyển cử thống nhất nước nhà đã hóa thành hai mươi mốt năm chiến tranh dài dặc. “Chính quyền Ngô Đình Diệm bắt ép dân xóm Chồi rời khỏi Tiên Giang Thượng đi “dinh điền” lên vùng Phú Bổn vì là dân ngoại lai, không phải dân sở tại”. Ông Hai Duân khẽ thở dài. “Lên trên này, do hoàn cảnh đẩy đưa, dân xóm Chồi theo thời gian thất tán mỗi người một nơi...”.

Mười bảy gia đình đi dinh điền lên “miền đất hứa” bị chính quyền Ngô Đình Diệm xé lẻ ra định cư ở các thôn ấp khác nhau. Cho ở chung một xóm làng, họ sợ dân xóm Chồi “ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản”. Mà không riêng gì dân xóm Chồi, dân từ các nơi khác lên trên này cũng vậy. Họ xáo trộn lộn tùng phèo sạch trơn. “Nhưng bà con mình vẫn sống quanh vùng Phú Bổn”. Tôi nói. “Chỉ mấy năm đầu mà thôi! Sau đó thì tùy nghi di tản”. Ông Hai Duân bảo. Khi Ngô Đình Diệm bị hạ bệ, Nguyễn Văn Thiệu lên thay thế, cũng là lúc chiến tranh lan rộng khắp nơi. Tình trạng bắt lính đôn quân ngày càng diễn ra gay gắt. Rất nhiều người là dân xóm Chồi không muốn con em mình ra chiến trường làm bia đỡ đạn, dắt díu nhau bỏ đi. Qua Đà Lạt. Xuống Nha Trang. Về Quy Nhơn. Vào Sài Gòn... Chỉ có ông Hai Duân trụ lại. Anh Thời - con trai độc nhất của vợ chồng ông, thoát khỏi nạn “quân dịch” là nhờ cạo trọc đầu nương náu nơi cửa Phật. “Hóa ra, người Quảng ở huyện Krông Pa bây giờ, chỉ gia đình anh có gốc gác là dân xóm Chồi?”. Tôi hỏi. “Không! Còn một người nữa. Đó là ông Bảy Sửu ở bên kia sông Ba Hạ”. Ông Hai Duân cho biết. “Gia đình ông Bảy Sửu em cũng đã ghé thăm. Và em không thấy...”. “...không thấy cái bị da và cây gậy trúc treo bên trên bàn thờ, đúng không? Hồi mới lên đây, nhà ổng bị hỏa hoạn, mất rồi!”. Ông Hai Duân nói.

Đi chơi về, thấy tôi, ông nội và cha cùng ngồi uống trà trên chiếc chõng tre kê dưới tán cây vú sữa, thằng Hải lại nháy mắt cười. “Họp hành bà con nhất trí cao hay sao mà ba về sớm vậy?”. Thằng Hải hỏi anh Thời. Rồi hắn quay sang ông Hai Duân: “Hồi tối đến chừ nội trải lòng với ông “Cố vấn” về chuyện quê chuyện đời tới đoạn cuối chưa?”. “Cha mày! Chim có tổ người có tông, không “ôn cố” làm sao “tri tân”?”. Ông Hai Duân mắng yêu thằng cháu nội. Rồi chỉ tôi, ông nói với anh Thời: “Chuyện gia đình ta và bà con xóm Chồi ngày ấy, bây giờ đã có chú em đây biết rõ, tao không còn phải lo sống để bụng, chết mang theo...”.

N.T.M


([1]) Những tên cướp biển người Trung Hoa mặc đồ đen nên dân làng biển gọi bọn chúng là giặc Tàu ô.

([2]) Thực dân Pháp.


Quay về
VĂN
HẬU DUỆ XÓM CHỒI
HẬU ĐẬU, ANH YÊU EM!
CƯỚI NHẰM CƠN LŨ
CHUYỆN BÊN LỀ MỘT THỜI TRONG QUÂN NGŨ
THƠ
MÙA THU
NHỮNG ĐÊM RỜI
NHỚ TIẾNG KÊU ĐÒ
BẤT CHỢT QUÊ THIÊNG
KHÁCH LẠNH
TỰ KHÚC SÔNG
THƠ TÌNH SAU SINH NHẬT
GIẬN
RẰM KHUYẾT
PHÍA TÌNH YÊU LẨN KHUẤT
PHỐ TRƯA
BẤT CHỢT
QUÊ NGOẠI + TRONG MẮT EM CÓ GIẤC MƠ CỦA NÚI
THU SANG + LỜI RU TIẾNG GIÓ
SAO KHÔNG NHÌN BÌNH MINH + NGỒI BÊN MẸ
NỖI NIỀM + TA CỦA HÔM NAY
VÀ TA CỦA BA MƯƠI NĂM + TIẾNG RAO
THƠ ĐỀ BÌNH NƯỚC TRÀ MIỀN PHÍ BÊN ĐƯỜNG + KHÔNG ĐỀ
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
DINH TRẤN THANH CHIÊM VỚI CHỮ QUỐC NGỮ
CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG VỚI CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP
LẤP LÁNH SẮC MÀU MỸ THUẬT XỨ QUẢNG
NGÂY THƠ NÉT CỌ THIẾU NHI...
TRÀ DƯ TỬU HẬU
SỰ ĐỜI...
VĂN HỌC - HỌC VĂN
TẤM LÒNG BÁC HỒ QUA MỘT BÀI THƠ CHÚC TẾT TRUNG THU