Tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên lần thứ XXI (diễn ra tại Quảng Ngãi từ 16 đến 23/8/2016), Quảng Nam chỉ có 19 tác phẩm của 19 tác giả được dự treo, ít hơn 15 tác giả/ 13 tác phẩm so với triển lãm lần thứ XX. Tuy nhiên, nhìn chung “đội hình” của Mỹ thuật Quảng Nam lần này vẫn khá mạnh, với những gương mặt cũ-mới, trẻ-già, cùng với đó là các phong cách nghệ thuật khác nhau. Đặc biệt, trong 3 giải thưởng cao nhất của Triển lãm lần này, Quảng Nam có một tác giả được vinh danh, đó là nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Văn Huy, đoạt giải B với tác phẩm “Thủy triều đỏ”. Đây là một tác phẩm điêu khắc trên chất liệu tổng hợp - vốn là sở trường của Nguyễn Văn Huy. Ở đây, anh đã sử dụng sự khác biệt và tương phản mạnh của các chất liệu để diễn tả một hiện tượng tự nhiên. Hình tượng con người chuyển động mềm mại bằng chất liệu composite tương phản với kết cấu sắt mạnh mẽ, góc cạnh được đặt trên một mảng hình sóng đã lột tả được ý đồ nghệ thuật của mình. Cạnh đó, tác phẩm còn có một bố cục rất chuyên nghiệp.
Bên cạnh Nguyễn Văn Huy, tại Triển lãm Mỹ thuật lần này, Quảng Nam còn có 5 tác giả có tác phẩm được giới thiệu dự giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2016 (giải Liên hiệp), gồm: Trương Bách Tường, Trầm Thị Trạch Oanh, Ngô Văn Phúc, Hà Châu và Vũ Hồng Sơn. Cả một Triển lãm quy tụ tới 171 tác phẩm/ 162 tác giả từ 9 tỉnh, thành phố trong khu vực như thế này, Hội đồng nghệ thuật chỉ chọn giới thiệu 20 tác phẩm dự giải Liên hiệp thì có tới 5 tác phẩm là của Quảng Nam. 25% là một tỷ lệ rất lớn, đáng tự hào.
Trong 5 tác giả có tác phẩm được đề cử dự giải Liên hiệp, Trầm Thị Trạch Oanh tiếp tục chọn mixmedia để thể hiện những trải nghiệm sống qua tác phẩm “Năng lượng kết nối”. Không chỉ vậy, Trạch Oanh còn biết nâng giá trị mỹ thuật cho tác phẩm của mình lên tầm sắp đặt qui mô hơn cùng các bản ghép đồ họa hiện đại. Trong khi đó, ở tác phẩm đồ họa “Buổi sáng trên công trình cầu Giao Thủy”, Ngô Văn Phúc đã thể hiện không khí làm việc khẩn trương, sinh động tại một công trình trọng điểm ở Quảng Nam bằng những mảng màu đồ họa trong sáng, bố cục hiện đại kết hợp với sự chuyển động mềm mại của đường nét. Khác với đồ họa màu của Ngô Văn Phúc, Hà Châu chọn đồ họa đen trắng ghép tấm trong tác phẩm “Ngày mới”. Sử dụng lối tả theo chủ nghĩa hiện thực, Hà Châu đã mô tả cận cảnh những ngóc ngách phố phường của một ngày mới bằng cái nhìn tươi rói.
Trong tác phẩm tượng tròn “Lên nương” bằng chất liệu composite, Vũ Hồng Sơn đã phủ lên một lớp màu đen đậm cùng lối cách điệu đơn giản và hiện đại về hình khối, để thông qua đó, thể hiện rõ hơn hình ảnh sơn nữ gùi con lên nương trong tư thế vừa thoải mái, nhẹ nhàng nhưng cũng rắn rỏi, vững chãi. Đặc biệt, tác giả đã sử dụng các đường kỷ hà trong xây dựng mảng khối - một vẻ đẹp trong nghệ thuật điêu khắc theo xu hướng hiện đại; qua đó thể hiện rõ nét hơn chân dung nhân vật trong sinh hoạt đời thường. Riêng với Trương Bách Tường, sau nhiều lần thể nghiệm, anh lại tiếp tục theo đuổi cuộc chơi sáng tạo theo lối nghệ thuật sắp đặt đậm chất pop-art. Được kết cấu theo khuynh hướng thoát ly khoảng trống, tác phẩm “Sông nước Bạch Đằng giang” của anh tại Triển lãm lần này thể hiện rất rõ nét tinh thần của lối sắp đặt đối xứng của các loại mặt nạ giấy bồi kết hợp sợi cước đan xen đậm chất tạo hình. Tác phẩm của anh thật sự gây ấn tượng cho người xem.
Bên cạnh những cây cọ trẻ và mới, một số tác giả quen thuộc của Mỹ thuật Quảng Nam như Nguyễn Hữu Thấu, Trần Văn Binh, Nguyễn Ba, Hoàng Trọng Tiến, Võ Như Diệu, Trần Văn Tâm, Trần Đức, Duy Bình, Văn Trí, Đoàn Minh Thuần, Trương Bách Bảo, Lê Việt Thắng... cũng có nhiều cố gắng trong việc đưa ngôn ngữ nghệ thuật của mình đến với công chúng. Đó là một Nguyễn Ba với tình yêu quê hương đằm dịu qua tác phẩm “Đá Giăng” - một địa danh thân thuộc với cảnh đẹp tự nhiên của vùng bán sơn địa Tiên Phước, thông qua lối diễn tả chân thực nhẹ nhàng, gợi cảm giác mát lạnh trong gam màu xanh rêu đầy ẩn dụ. Với “Phố Hội sông Hoài” - chất liệu sơn mài truyền thống, Võ Như Diệu cho thấy một Hội An trên bến dưới thuyền nhuốm màu thời gian trầm mặc, thân thương, gần gũi. Hay “Trăng quê” đậm chất lãng mạn của Lê Việt Thắng; “Nắng sớm” của Trần Văn Tâm, “Trăng hạ” của Duy Bình cùng “Góc hoài cổ” của Văn Trí,... đều có những thành công nhất định, thể hiện được sự phong phú và đa dạng của biểu cảm hội họa. Những “Về từ biển” của Đoàn Minh Thuần, “Chung tay bảo vệ biển” của Trương Bách Bảo hay “Tây Nguyên ngày ấy” của Hoàng Trọng Tiến... đều là những hình ảnh quen thuộc, gợi cảm giác ấm áp, hiền hòa. Trong khi đó, “Bạn diễn” của Lê Nguyên Chính đầy màu sắc nóng lạnh của tuồng cổ; còn Nguyễn Hữu Thấu thì lắng lại đầy suy tư trong “Nhớ” thông qua thủ pháp của họa phái ấn tượng, gợi cho người xem đi từ miền ký ức này đến những miền ký ức khác.
Trải qua một năm sáng tác, giới mỹ thuật Quảng Nam đã có một cuộc trình làng, một cuộc hội ngộ nhiều màu sắc và không kém phần ấn tượng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên lần thứ XXI. Họ đã thể hiện được và đúng với tinh thần nghệ thuật: phô bày cảm xúc, trải lòng mình để sáng tạo. Một tác phẩm được tặng giải B và 5 tác phẩm được giới thiệu dự giải Liên hiệp là những phần thưởng xứng đáng, là sự ghi nhận cho niềm đam mê sáng tạo của giới mỹ thuật xứ Quảng.
V.N.D