Với chủ đề “Quảng Nam-Vùng đất tự hào”, Hội thi Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Quảng Nam lần thứ IX do Sở VH-TT&DL phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở GD-ĐT, Hội VHNT, Sở LĐ-TB&XH tổ chức hồi đầu tháng 8/2016 đã thu hút hơn 100 họa sĩ nhí thuộc 2 nhóm tuổi tiểu học và THCS của 18 huyện, thị, thành phố trong tỉnh tham dự. Không chỉ để thi thố, Hội thi còn là dịp để các em học sinh có năng khiếu vẽ cùng nhau giao lưu, chia sẻ tình yêu hội họa, phô diễn tài năng và bày tỏ cảm xúc của mình qua những nét cọ, những mảng màu.
So với các Hội thi trước đây, các thí sinh tham gia Hội thi năm nay có phần “chuyên nghiệp” hơn, do đã được các họa sĩ, các thầy cô giáo mỹ thuật tập huấn những kỹ năng cơ bản về hội họa. Cạnh đó, nhiều em dường như đã có sự chuẩn bị đề tài khá kỹ qua các hội thi cơ sở nên khi vào cuộc, các em nhanh chóng xác định ngay được nội dung đề tài và định hình được bố cục tác phẩm của mình. Với niềm say mê hội họa cùng với những ý tưởng ngây thơ, trong sáng, các “họa sĩ nhí” đã gửi tình yêu của mình vào tác phẩm qua các đề tài phong phú và đa dạng về quê hương Quảng Nam thân yêu với những nét văn hóa đặc sắc, làng nghề truyền thống, mùa màng bội thu, gia đình mến yêu, ngôi trường, thầy cô, bè bạn... Ngoài ra, các em còn gửi nhiều thông điệp ý nghĩa về biển đảo quê hương, bảo vệ môi trường, ước mơ của em...
Nhìn tổng thể, Hội thi lần này đã có sự khác biệt khá rõ trong hình thức thể hiện tác phẩm ở hai nhóm tuổi tiểu học và THCS. Ở nhóm lứa tuổi tiểu học, cách lựa chọn chủ đề, xây dựng hình tượng, sắp xếp bố cục, cách nhìn nhận, suy nghĩ, diễn đạt cảm xúc cũng nhiều vẻ khác nhau; nhiều hình tượng còn ngượng ngập hoặc sai lệch về tỉ lệ nhưng lại có duyên và rất ưa nhìn vì cách sắp xếp hình mảng và màu sắc vừa thực lại vừa hư, các em thường vẽ theo cảm xúc tự nhiên vốn có, không lệ thuộc về khung cảnh, màu sắc. Hình ảnh trong tranh của các em rất hồn nhiên, đôi khi trông rất ngộ nghĩnh nên mang tính chất khái quát về hình tượng và màu sắc. Đó chính là ngôn ngữ tạo hình đích thực của các em. Với cách nhìn luôn luôn tươi sáng, chân thật nên sắc màu trong tranh của các em hoặc tươi mát, hoặc rực rỡ, đậm đà, đôi khi còn tạo bất ngờ về thủ thuật sử dụng màu sắc, hình mảng, bố cục - tưởng như phi lí nhưng lại rất thực, nên tranh có sức truyền cảm, lôi cuốn người xem... So với nhóm tuổi tiểu học, các cây cọ nhí ở nhóm tuổi THCS có sự già dặn hơn trong cách sử dụng màu, có ý thức về không gian xa gần và cũng ít hơn sự ngây ngô, ngộ nghĩnh, sai lệch về tỉ lệ. Đây chính là sự khác biệt về ngôn ngữ tạo hình theo lứa tuổi. Nhiều em đã vẽ được những tác phẩm hoàn chỉnh, có giá trị nghệ thuật tốt nhờ biết cách lựa chọn nội dung đề tài xuất phát từ tình cảm, cảm xúc thật của mình, lại phù hợp với ngôn ngữ tạo hình lứa tuổi.
.bmp)
“Làng quê em” của Đoàn Long Ân, Trường Tiểu học Tiên Cẩm, Tiên Phước
- Giải Nhất khối Tiểu học
Một trong những thành công đáng kể của Hội thi Mỹ thuật thiếu nhi lần thứ IX là không có nhiều những dấu hiệu về sự can thiệp, sắp đặt trước của bàn tay và tư duy người lớn trong tranh của các thí sinh. Ở đây, xin nêu lại một hiện tượng: Thông thường, chúng ta bị cuốn hút, thích thú trước sự hồn nhiên đầy ắp trong tranh các họa sĩ nhí (và đó cũng chính là những cái mà các họa sĩ người lớn không có được). Từ đó, hễ thấy bức tranh nào có vẻ “giống người lớn”, “già” một chút là mất thiện cảm ngay; tác phẩm nào “ngây thơ”, “hồn nhiên” thì được khen ngợi. Từ hiện tượng và tâm lý chung ấy, một số thầy cô giáo dạy mỹ thuật đã “rút kinh nghiệm” trong việc hướng dẫn học sinh. Vậy là có những em 14-15 tuổi vẫn được các thầy cô hướng dẫn vẽ thật “ngây thơ” để... dễ đoạt giải, nhưng nếu tinh ý sẽ nhận ra ngay đó là sự “ngây thơ” không thật. Các em 5-6 tuổi vẽ ngây thơ đến mức ngây ngô là chuyện bình thường, nhưng 14-15 tuổi vẫn “ngây” kiểu ấy thì khó mà thuyết phục được...
Hội thi Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Quảng Nam lần thứ IX năm 2016 đã khép lại thành công, để lại nhiều niềm vui và ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi họa sĩ nhí. Bởi lẽ, đây là sân chơi sạch, lành mạnh và bổ ích, giúp các em được giao lưu, học hỏi, bồi dưỡng tư duy thẩm mỹ, óc sáng tạo, góp phần vào sự phát triển toàn diện cho các em. Hẳn nhiên, để sân chơi này luôn trong sáng, lành mạnh, hồn nhiên thì nên chăng người lớn chúng ta phải đặt câu hỏi về khả năng đi tiếp con đường nghệ thuật của các em quen vẽ “ngây thơ” như đã nói ở trên. Và, cũng cần tìm hiểu và nhận diện, rằng sự thất bại đối với những tác phẩm vẽ “khôn”, “già dặn” liệu có khiến cho những em vốn có ý định theo đuổi nghệ thuật dễ nản lòng, bỏ cuộc hay không? Về lâu dài, có lẽ cũng cần có sự theo dõi, hỗ trợ, bồi dưỡng, tiếp sức dài hơi để nuôi dưỡng, phát huy những tài năng thật sự và có niềm đam mê hội họa thật sự...
T.V.T