|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: TẬP BÚT KÝ ĐẦU TIÊN VIẾT VỀ NHÀ TÙ ĐẾ QUỐC
Tác giả: Phạm Phú Uyên Châu


Thơ văn viết trong tù ở nước ta không phải là ít, nhưng có lẽ với tập bút ký Thi tù tùng thoại (góp nhặt chuyện kể về thơ và tù), Cụ Huỳnh Thúc Kháng trở thành người tiên phong mở ra dòng văn học yêu nước và cách mạng viết trong song sắt của nhà tù đế quốc: Côn Lôn ký sự (Trần Huy Liệu, 1935), Ngục Kon Tum (Lê Văn Hiến, 1938), Từ ấy (Tố Hữu, 1939), Vượt ngục (Cựu Kim Sơn, 1940), Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh, 1943), Vượt Côn đảo (Phùng Quán, 1955), Sống như Anh (Trần Đình Vân, 1965), Bất khuất (Nguyễn Đức Thuận, 1967)... Năm 1939, Thi tù tùng thoại mới được nhà in Tiếng Dân in thành sách, nhưng trước đó đã được in liên tục trên báo Tiếng Dân từ số 1106 đến số 1196 (sách đã được ông viết trong 13 năm lưu đày ở Côn đảo (1908-1921), nhưng khi ra tù bị tịch thu thiêu hủy và được viết lại theo ký ức khi bắt đầu làm báo Tiếng Dân (1928), nên vẫn được coi là tác phẩm đầu tiên). Ngay trong Lời nói đầu của tác giả và Đề hậu bản của Phan Bội Châu cũng chỉ ra rằng tác phẩm chỉ ra đời sau mấy câu thơ của Lạc Tân Vương (đời Đường), Văn Thiên Tường (đời Tống), Dương Kế Thạnh (đời Minh) và ở ta có Cao Bá Nhạ, Cao Bá Quát...

Tác phẩm dày hơn 370 trang, gồm 126 đoạn, đánh số La Mã từ I đến CXXVI, đoạn dài nhất đến 11 trang (đoạn 107 có tiêu đề là Chuyện trốn của mấy người quốc sự phạm), đoạn ngắn nhất chỉ có 6 dòng (đoạn 97, không có tiêu đề, viết về việc tác giả từ tiệm buôn tạp hóa chuyển ra làm ruộng), nhưng tác giả đã có lời dẫn trước trong lời Yếu điểm nên biết (trong bản tái bản lần thứ hai 1951, NXB Nam Cường gọi là Tựa) một cách tổng quát rằng: “Hạn trong phạm vi người và thi ở tù, nên một bài thi, hay câu đối, hay chuyện vãn thoại gì, tùy từng chuyện, từng bài mà chép ra, không có thứ tự, không có kết cấu, chỉ biên đoạn một, song ở trong có cái “ngỏ dứt tơ liền”, riêng ra thì đoạn nào có phần đoạn ấy, mà nhập lại thành chuyện tù sử có đầu có đuôi” (tr.6). Quả thật, về phương diện thi pháp hình thức, tách riêng ra từng đoạn, tự nó là một tác phẩm, nó hoàn toàn là một chỉnh thể toàn vẹn thống nhất, có mở đầu, diễn biến, kết thúc; có không gian, thời gian; có sự kiện, con người; có hình thức, nội dung, được thể hiện xuyên thấm qua nhiều thể văn như bút ký, ghi chép, thư, câu đối, thi thoại, thậm chí có đoạn như một tản văn, một truyện ngắn hoàn chỉnh, nhất là những đoạn có đặt tiêu đề như Làm xâu, Điểm tù, Làm báo trong tù, Dạo bờ biển một mình, Chuyện trốn của mấy người quốc sự phạm (có 44 đoạn có đặt tiêu đề)... Vì thế, việc xác định thể loại đôi khi có sự mâu thuẫn. Trong bài Về quyển Thi tù tùng thoại viết cho lần tái bản vào năm 2000, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng gọi đây là thể loại ghi chép, trong Từ điển văn học thì không được nhất quán, khi thì tác giả Đặng Thị Hảo gọi là bút ký, khi lại gọi là ký sự, là hồi ký, thậm chí có khi còn gọi là mẩu chuyện. Nếu nhìn xuyên suốt tác phẩm, dễ dàng nhận ra hai yếu tố xâu chuỗi tất cả những sự kiện, những con người có thật trong đời sống lại với nhau, tạo thành một chỉnh thể toàn vẹn thống nhất, đó chính là hình tượng thời gian và hình tượng tác giả, và cũng có thể gọi đó là tiểu thuyết, là cuốn tiểu thuyết về một quãng đời trong tù của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, trong đó có đủ tất cả những phẩm chất của một tiểu thuyết như dung lượng hiện thực, kết cấu, xung đột, nhân vật, ngôn ngữ...

Tuy “đã hạn trong phạm vi người và thi ở tù”, nhưng không chỉ có thế. Trước tiên, như tiêu đề đã nói rất rõ là thi, trong đó có ghi lại thơ của tác giả và các bạn tù, nhưng có 22 đoạn văn xuôi, 11 đoạn văn xuôi có dẫn thêm câu đối (có cả liễn, biểu), chỉ có 93 đoạn có dẫn thơ và hơn một phần ba trong số đó dẫn từ 2 đến 11 bài thơ. Vì vậy, phải hiểu thi ở đây theo nghĩa rộng, với tư cách là văn chương, thông qua mục tiêu, động lực của người viết là nhằm ghi lại những cuộc ngâm vịnh trong tù. Nếu nhìn ở cảm hứng chủ đạo thể hiện hình tượng tác giả, bàng bạc cảm xúc trữ tình và chất trí tuệ xuất hiện trong từng đoạn, ẩn giấu đằng sau các sự kiện đa dạng trong sinh hoạt chốn lao tù, có thể nói chất bút ký thể hiện rõ nhất trong tác phẩm. Về nội dung, chủ yếu là những xướng họa về sinh hoạt trong tù như ăn, ở, điểm danh, điểm tù, làm xâu, đập đá, khám xét, trốn tù, vượt ngục, kỷ niệm ngày đi tù, gia đình gửi quà cho người thân, vợ tặng mền cho chồng, nhớ nhà, thả bè vượt biển, thơ khóc các bạn tù qua đời... nhưng đã vượt ra khỏi phạm vi nhà tù, khái quát được cả bức tranh đời sống của một thời đại lịch sử, hằn nổi chân dung của cả cuộc đời những con người, những nhân cách, những tầm vóc văn hóa, những nhà yêu nước như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thành, Trần Cao Vân, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Huân, Nguyễn Thượng Hiền, Châu Thượng Văn, Trần Trọng Cung... những người mà tác giả chỉ dừng lại đặc tả một mẩu chuyện trong tù để chiếu rọi lên nền vách lịch sử cả một số phận, một nhân cách, có thể sống mãi với thời gian. Những tù nhân - thi nhân ấy, trong gian lao tù tội vẫn sống một cuộc sống hào hùng, khí thế hiên ngang lẫm liệt trước kẻ thù. Không chỉ có thế, thông qua từng số phận, gắn liền với các sự kiện, có thể hình dung được diễn biến của các phong trào yêu nước vắt ngang hai thế kỷ XIX và XX ở nước ta như Văn thân, Cần vương, Đông du, Duy tân, chống thuế (1908) và cuộc khởi nghĩa Duy tân (1916)... Nói cách khác, nó có thể khái quát được cả một giai đoạn lịch sử của đất nước chứ không chỉ là chuyện thi và tù. Nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân đã có lý khi khẳng định rằng: “Chỉ cần đọc qua tập này, cũng có thể biết các diễn tiến cách mạng Việt Nam cũng như suy tư và tình cảm của các nhà cách mạng thời ấy, đặc biệt là của nhóm Duy tân”.

Là chuyện kể về nhà tù và làm thơ, ngâm vịnh trong tù, nên phương thức biểu hiện chủ yếu của Thi tù tùng thoại là phương thức tự sự. Với một giọng điệu trần thuật bình dị, thô mộc và hóm hỉnh, tác giả đã ghi lại một cách tỉ mỉ sinh hoạt trong tù, từ những chính sách, qui chế ngặt nghèo, đến cuộc sống thiếu thốn, bệnh tật, lao dịch khổ sai... Có thể nói, thành công lớn nhất của tập sách chính là sức mạnh nghệ thuật từ các chi tiết. Trong cảnh tù tội lao lung nhưng người viết nhìn đâu cũng thấy có cái để viết, để ngâm vịnh, có khi chỉ là ngẫu hứng một mình, cũng có khi được tổ chức xướng họa với nhiều người tham gia. Từ hành trạng cuộc đời các nhân vật, các sự kiện lịch sử đến các chi tiết nhỏ nhặt như nhân một mảnh giấy ném vào cửa sổ song sắt nhà lao (đoạn 18), một tin đồn nhảm (đoạn 45), tiếc chiếc răng rụng (đoạn 71) hoặc nhặt được một  mảnh báo của Thái Lan trong tù, trong đó có tin thắng trận của Hoàng Hoa Thám, tác giả đã có bài thơ thể hiện tâm sự người tù và niềm tin ấm áp ở tương lai của đất nước:

Ngày dài vặc vặc bộn bề phen

Chí khí ngày xưa gác một bên

Thong thả cảnh tù buồn muốn chết

Dắng diu hồn nước mộng chưa quên

Báo Xiêm tin mách quyền dân động

Trời Sở vãn gò quỉ núi thiêng

Nước cũ cùng nguôi quay lại ngắm

Dưới vùng khói súng có thần tiên

(đoạn 39, Tờ báo trong tù)

Chính nhờ sức mạnh của các chi tiết hiện thực, thông qua một giọng điệu trần thuật vừa trữ tình vừa trào lộng, tác phẩm không chỉ lên án, tố cáo chế độ nhà tù thực dân đế quốc mà còn tạc vào bức vách thời gian lịch sử chân dung hiên ngang, khẳng khái, thái độ lạc quan, tấm lòng kiên trung vì nỗi lo cho dân, cho nước của các chí sĩ cách mạng. Trong tù, nhất là khổ sai chung thân, coi như cầm chắc cái chết trong tay. Niềm an ủi duy nhất về mặt tinh thần là thái độ lạc quan, một trong những biểu hiện nhằm bồi dưỡng đời sống tinh thần là tìm đến với thơ ca ngâm vịnh, vì “thi văn có thể làm món nuôi tinh thần trong cảnh cùng thì chính tôi là một người đã nhờ món quà ấy mà nuôi tinh thần được sống sót đến ngày nay” (tr.362) như Cụ đã viết trong Bài tựa sau đặt ở cuối sách.

Như đã nói, tác phẩm được viết bằng chữ Hán và được chính tác giả dịch ra quốc ngữ. Viết bằng thứ ngôn ngữ nào là tư duy bằng ngôn ngữ ấy, nên bản dịch quốc ngữ bao giờ cũng có điểm khác với bản viết trực tiếp bằng quốc ngữ. Huống chi, thơ ở đây không chỉ của riêng tác giả mà còn của nhiều người khác nữa. Tác giả không chỉ là một nhà văn, nhà thơ tài hoa, “một dịch giả đặc sắc” (Đặng Thị Hảo), mà còn là người có trí nhớ tuyệt vời, đã tái hiện gần như nguyên vẹn những bài thơ của các bạn tù, nếu có chỗ nào còn thiếu tự tin, đều có chú thích cụ thể. Người ta đã nói nhiều về trí tuệ uyên bác của Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Chỉ cần dẫn ra đây trình độ tiếp thu các loại ngôn ngữ của ông, cũng đủ chứng minh điều đó. Ở tù Côn Đảo chỉ “mang theo một quyển Từ điển Pháp Việt của Trương Vĩnh Ký, một quyển Lecture langague, và một quyển mẹo (Grammaire)” và tự học trong một thời gian ngắn đã có thể ra làm phiên dịch cho Gardien Chef ở nhà giấy (tr.185-186). Khi thành lập báo Tiếng Dân, Cụ chưa thông thạo ngữ pháp quốc ngữ, nhưng chỉ sáu tháng sau có thể viết bằng chữ quốc ngữ với nhiều thể loại khác nhau, có số báo viết nhiều bài, nhiều mục, ký nhiều bút danh... Điều quan trọng hơn, ngôn ngữ văn chương của Cụ luôn thuộc về thời hiện đại, cũng như tư tưởng, tâm hồn và nhân cách của Cụ sống mãi với chúng ta. Cụ đã đi xa chúng ta hơn nửa thế kỷ, nhưng dường như Cụ không thuộc về quá khứ, mà Cụ vẫn còn trong hiện tại và cũng sẽ có mặt ở tương lai.

P.P.U.C

Quay về
VĂN
HUỲNH THÚC KHÁNG TRƯỚC NGÃ BA THỜI ĐẠI
"DƯỚI ĐẤT TRÊN TRỜI GIỮA CÓ DÂN"
TẬP BÚT KÝ ĐẦU TIÊN VIẾT VỀ NHÀ TÙ ĐẾ QUỐC
THƠ
KÝ ỨC BIỂN
CHÚT TÌNH QUÊ
MÙ SƯƠNG NGỌN KHÓI
HỒN QUÊ HOÀI NIỆM
MỘT THOÁNG SÔNG NGUỒN
NƠI BÌNH YÊN CHIM HÓT
NHỮNG KHÚC THƠ NGÀY XANH KHÓI RUỘNG